Toggle navigation
Chuyện của người Việt ở Nga
26/03/2018 | 01:11 GMT+7
Chia sẻ :
Nga là một trong những nước trên thế giới có đông cộng đồng người Việt đang sinh sống, học tập, công tác, khoảng 800.000 người. Tại các thành phố như St. Petersburg, Ulyanovsk, Pyatigorsk… đa phần bà con hội nhập tích cực vào hoạt động kinh tế, tạo dựng được nhiều cơ sở sản xuất, được chính quyền địa phương sở tại đánh giá cao và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất. 

Một tiết mục văn nghệ của người Việt trong chương trình festival văn hóa Việt Nam chào mừng xuân Mậu Tuất 2018 tổ chức tại thành phố Voronezh (LB Nga).

1. Saint Petersburg là cố đô và cũng là thành phố lớn thứ hai của nước Nga (sau Moscow). Đêm trắng là hình ảnh đặc trưng của thành phố St. Peterburg, bầu trời gần như sáng trưng, đêm đến mà thành phố hầu như không ngủ. Hiện ở St. Peterburg có  khoảng 1.000 người Việt, ngoài sinh viên, nghiên cứu sinh sang học tập ngắn và trung hạn đa phần bà con làm ăn buôn bán. Người Việt ở đây sống rất có kỷ luật, tuân thủ pháp luật Nga nên được chính quyền sở tại tạo rất nhiều điều kiện tốt.

Bùi Hoàng Anh, quê Bắc Giang, sang Nga từ những năm 1990 và cũng từng đó năm anh gắn bó với thành phố Saint Petersburg này. Anh chia sẻ, những năm gần đây khi phương Tây và Mỹ cấm vận Nga, đồng Xanh bắt đầu trượt giá, sức mua giảm, việc kinh doanh buôn bán của người Việt ảnh hưởng rõ rệt. Tuy nhiên, ngay cả trong lúc khó khăn nhất mọi người vẫn sống đoàn kết, sẻ chia giúp đỡ nhau. Các Ban lãnh đạo cộng đồng người Việt ở St. Petersburg cũng rất sát sao và quan tâm tới hoạt động kinh doanh buôn bán của bà con, sẵn sàng trợ giúp khi cần thiết.

“Trong những ngày qua sự kiện ông Putin tiếp tục tái đắc cử Tổng thống Nga không chỉ là tin vui với người dân ở xứ xở Bạch Dương mà nó lan tỏa tới tất cả những người đang sinh sống, làm việc và học tập tại Nga, trong đó có bà con người Việt mình. Mọi người luôn mong muốn  nước Nga tiếp tục phát triển, ổn định về chính trị, kinh tế, bà con được tạo điều kiện thuận lợi để sinh sống, học tập và buôn bán. Tôi sống ở đây từ những năm 90, chứng kiến những thay đổi ngoạn mục khi ông Putin làm tổng thống nên đây có thể nói là một sự niềm vui rất lớn” – anh Hoàng Anh chia sẻ. 

Cùng chung chia sẻ đó, Nguyễn Thanh Tâm, sinh viên trường Đại học Tổng hợp hữu nghị các dân tộc Nga (RUDN), Moscow cho biết, người dân Nga đã lựa chọn cho mình vị tổng thống hoàn toàn xứng đáng để đưa nước Nga vượt qua những khó khăn, bước tiếp trên con đường phát triển thành cường quốc hùng mạnh.

Trong Thông điệp Liên bang trình bày trước Quốc hội Nga vừa qua, ông Putin có nói đến việc các sinh viên nước ngoài có thành tích học tập xuất sắc sẽ có cơ hội ở lại Nga làm việc. Đây chính là điều mà chúng tôi quan tâm bởi hiện nay quốc gia này đang đẩy mạnh quan hệ hợp tác với nhiều nước trong giáo dục, đào tạo nhân lực, số lượng sinh viên nước ngoài học tập tại các trường học rất đông, trong đó có sinh viên Việt Nam. 

“Đa số các bạn sinh viên người Việt đều rất thích học tập và nghiên cứu tại Nga bởi các thầy cô giáo rất nhiệt tình, họ không chỉ giảng dạy các kiến thức mà còn dìu dắt sinh viên nước ngoài thích nghi với một cuộc sống mới mẻ ở xứ xở bạch dương. Đặc biệt các giáo viên Nga rất có cảm tình với sinh viên Việt Nam, họ  sẵn lòng giúp đỡ sinh viên giải quyết các vấn đề khó khăn, kể cả những việc ngoài học tập như chỗ ăn ở, làm thêm…” – Tâm chia sẻ.

2. Không đông và sầm uất như ở Saint Petersburg, nhưng người Việt ở thành phố Ulyanovsk cũng có khoảng 700 người. Những năm 1980 - 1990, rất nhiều người Việt Nam sang lao động tại thành phố Ulyanovsk với các ngành nghề, trong đó chủ yếu là làm dệt may, xây dựng, máy móc… Tuy nhiên, sau khi Liên Xô tan rã, nền kinh tế khó khăn, các nhà máy này hoặc giải thể, hoặc cắt giảm công nhân, nhiều người Việt Nam không còn việc, phải bươn chải ra ngoài làm ăn buôn bán đủ nghề để bám trụ lại.

Theo ông Trịnh Văn Quế - Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Ulyanovsk, gần như 100% người Việt Nam bán hàng tại các chợ của Ulyanovsk, và tập trung đông nhất tại chợ hàng hoá với khoảng gần 200 hộ. Khi cuộc sống ổn định, mọi người bắt đầu đưa người nhà sang làm ăn cùng vì thế cộng đồng người Việt Nam ở Ulyanovsk đến nay có không ít người thuộc thế hệ thứ hai, thậm chí thứ ba được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này. 

Chị Nguyễn Thị Nhung – quê Nghệ An, hiện đang kinh doanh ở chợ Vesevoi cho biết, ở đây cộng đồng người Việt Nam cần cù, chịu khó, sống tuân thủ luật pháp nên được chính quyền địa phương rất ưu ái, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho bà con làm ăn, sinh sống. Đa phần bà con người Việt mình buôn bán ở các chợ, tuy nhiên mấy năm gần đây một số người đã mạnh dạn thuê kiốt trong các trung tâm thương mại để kinh doanh, có người còn vay vốn đứng ra mở siêu thị. 

Các mặt hàng người Việt buôn bán như vải vóc, áo quần của người Việt Nam sản xuất tại Nga, do các xưởng may người Việt cung cấp, có giá phải chăng, phù hợp túi tiền của người lao động Nga. Mẫu mã cũng bắt mắt nên dễ được chấp nhận. Tuy nhiên, thời điểm khó khăn nhất là vào năm 2014-2015, có khi bán hàng cả tháng cũng chỉ đủ trả tiền thuê kiot, nhưng nhiều bà con vẫn cố gắng bám trụ vì còn phải lo cho con cái đi học. 

“Cũng mừng là  nhiều người Việt Nam đã được chính quyền thành phố cấp quyền công dân Nga, đây chính là điều kiện vững chắc để bà con yên tâm buôn bán cũng như đầu tư việc học hành cho con cái. Và sau nhiều năm bươn chải, tôi và nhiều người Việt Nam tại Ulyanovsk đã mua được một ngôi nhà tại đây” – chị Nhung tâm sự. 

Cũng theo lời chị Nhung thì do các bậc cha mẹ phần vì quá bận bịu với công việc buôn bán, phần vì chưa có phương pháp dạy trẻ đúng cách nên vốn liếng tiếng Việt của các em rất khiêm tốn. Chị rất mong có những Hội, đoàn thể người Việt đứng ra mở các lớp học tiếng Việt để con em mình có cơ hội học hỏi, giao lưu cùng bạn bè người Việt cũng như hiểu hơn về quê hương, đất nước về truyền thống văn hóa của người Việt mình. 

 Dù ở St. Petersburg, Ulyanovsk hay  Pyatigorsk đa số cuộc sống bà con khá ổn định. Đặc biệt, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái luôn được những người con xa quê giữ gìn, phát huy. Chính quyền địa phương, nhất là thống đốc, luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho bà con làm ăn, sinh sống vì vậy, mọi người đều nhắc nhở nhau sống đoàn kết, chịu khó làm ăn và tuân thủ các quy định của địa phương để không chỉ ngày càng hòa nhập sâu vào nước sở tại mà còn trở thành cầu nối vững chắc giữa các địa phương nói riêng và góp phần củng cố tình hữu nghị Việt Nam –Nga nói chung. 

Những năm qua, ở Liên Bang Nga có rất nhiều hội đồng hương được thành lập tiếp tục gắn kết, chia sẻ tình đồng hương trong cuộc sống, công tác, học tập. Hàng năm vào các dịp Lễ, Tết các Hội đồng hương đều tổ chức các buổi lễ kỷ niệm, gặp mặt, giao lưu  tặng quà…Các bạn nhỏ sinh ra và lớn lên ở Nga, nhưng vẫn được học tiếng Việt, cùng với ông bà, cha mẹ tham gia các hoạt động văn hóa Việt như: Đi lễ chùa, đón tết Trung thu, lễ rằm tháng giêng, gói báng chưng…

Theo Trường Giang
Báo Đại Đoàn Kết
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com