Toggle navigation
Hậu trường ứng cử của người Việt đầu tiên vào Ủy ban Luật Quốc tế LHQ
17/11/2021 | 09:05 GMT+7
Chia sẻ :
Việc Đại sứ Nguyễn Hồng Thao tái đắc cử vào Ủy ban Luật Quốc tế của Liên Hợp Quốc, với số phiếu cao hơn lần đầu, thể hiện sự tín nhiệm ngày càng tăng của quốc tế đối với Việt Nam.

"Tôi có hai đêm mất ngủ. Một đêm trước ngày bầu cử, một đêm sau ngày bầu cử để trả lời tất cả lời chúc mừng của mọi người. Điều này chứng tỏ sự quan tâm rất lớn của mọi người và của cả đất nước vào cuộc bầu cử lần hai", Đại sứ Nguyễn Hồng Thao chia sẻ với Zing một ngày sau khi ông tái đắc cử vào Ủy ban Luật pháp Quốc tế (ILC) của Liên Hợp Quốc.

Hôm 12/11, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao tiếp tục trúng cử nhiệm kỳ thứ hai tại ILC với 145 trên 191 phiếu bầu từ đại diện các nước tại Liên Hợp Quốc, đứng thứ 4 trong số 11 ứng viên khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trước đó, vào năm 2016, ông là người Việt Nam đầu tiên trúng cử vào ủy ban này.

"Đây là niềm vui rất lớn không chỉ với bản thân tôi mà còn đối với mọi người quan tâm tới luật quốc tế Việt Nam. Chúng tôi rất vui vì đã hoàn thành được nhiệm vụ đất nước và nhân dân giao phó", Đại sứ Thao cho biết.

Nhiều sáng kiến vận động tranh cử

- Lần bầu cử năm 2016, đại sứ được 120 phiếu bầu. Lần này, chúng ta được hơn 140 phiếu. Kết quả này nói lên điều gì?

- Điều này khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế và trên tất cả mặt trận.

Các nước đánh giá cao vị thế của Việt Nam, đặc biệt là trong nhiệm kỳ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, chủ tịch ASEAN năm 2020, và những thành tựu của ta trong việc hợp tác với các nước để chống dịch, cũng như cam kết giảm phát thải xuống 0 vào năm 2050. Những điều ấy là sự hỗ trợ lớn cho cuộc bầu cử lần này.

Một yếu tố nữa không thể thiếu là sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân trong và ngoài nước, cũng như của mọi cơ quan đại diện Việt Nam trên thế giới. Đặc biệt, tôi muốn cảm ơn hai trưởng phái đoàn là chị Nguyễn Phương Nga (nhiệm kỳ 2014-2018) và anh Đặng Đình Quý (đương nhiệm) đã đóng góp rất nhiều cho cuộc vận động thành công.

Nguyen Hong Thao anh 2
Những ý kiến của Đại sứ Thao được đồng nghiệp, các thành viên ILC đánh giá cao. Ảnh: TTXVN.

- Đại sứ đánh giá thế nào về tính cạnh tranh của lần tranh cử này? Đại sứ và phái đoàn Việt Nam lên kế hoạch và thực hiện quá trình vận động như thế nào?

- Lần này có kỷ lục 50 người ứng cử vào 34 vị trí của ILC, trong đó có nhiều ứng cử viên sáng giá. Điều này chứng tỏ các nước ngày càng quan tâm tới vai trò của luật quốc tế trong giải quyết thách thức toàn cầu, cũng như việc tham gia vào các tổ chức quốc tế, đặc biệt là tổ chức có vai trò định hình luật chơi, khẳng định trật tự thế giới dựa trên luật lệ.

Các ứng cử viên trong nhóm châu Á - Thái Bình Dương rất mạnh, như ứng viên từ Mông Cổ từng là bộ trưởng Ngoại giao nước này; ứng viên từ Thái Lan là cố vấn pháp lý Bộ Ngoại giao và cũng là nữ giới. Trong khi đó, một ưu tiên của Liên Hợp Quốc hiện nay là tăng cường sự tham gia của phụ nữ.

Dù vậy, Đại sứ Đặng Đình Quý là người rất giàu kinh nghiệm trong việc vận động bầu cử tại Liên Hợp Quốc.

Năm 2018, Đại sứ Quý và phái đoàn Việt Nam đã thành công trong việc vận động để Việt Nam giành được một ghế trong Ủy ban Thương mại Liên Hợp Quốc (UCINTRAL). Nhưng thành công lớn nhất của Đại sứ Quý phải kể đến việc giúp Việt Nam trúng cử Hội đồng Bảo an với số phiếu kỷ lục 192/193 phiếu.

Lần này, Đại sứ Quý cũng đi vận động tất cả trưởng phái đoàn ở đây và đưa ra nhiều sáng kiến.

Một trong số đó là mang café đến mời tất cả thành viên và cố vấn pháp lý tham dự các cuộc họp của Liên Hợp Quốc. Thời điểm nghỉ giải lao và ra uống café cũng là lúc họ sẽ gặp gỡ ứng viên của Việt Nam để trao đổi. Trong điều kiện Covid-19 và lịch trình họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc dày đặc, việc gặp gỡ tất cả 192 nước để vận động rất khó khăn. Vì thế, chúng ta tranh thủ từng giây phút một, theo đúng kịch bản đề ra.

Nguyen Hong Thao anh 3
Đại diện một nước bỏ phiếu vào ngày 11/11 tại trụ sở New York của Liên Hợp Quốc để bầu 34 thành viên của ILC. Ảnh: Liên Hợp Quốc.

Nhiệm kỳ đầu đáng nhớ

- Theo đại sứ, những kết quả nào là đáng nhớ nhất trong nhiệm kỳ đầu tại ILC? Cùng với đó là những khó khăn gì?

- Nhiệm kỳ vừa qua, tôi có nhiều trải nghiệm thú vị. Ngay từ đầu, chúng tôi tham gia xây dựng dự thảo quốc tế về tội ác chống lại nhân loại. Khi đồng nghiệp đưa ra nhiều ví dụ minh họa cho các điều khoản, tôi lập tức phát hiện và đề nghị đưa ví dụ về kết luận số 002/2018 của tòa án quốc tế về tội ác chống lại loài người của các lãnh đạo Khmer Đỏ.

“Tôi tin tưởng Đại sứ Nguyễn Hồng Thao sẽ tiếp tục đóng góp tích cực, hiệu quả vào công việc của ILC, góp phần thúc đẩy bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của Việt Nam và tăng cường vai trò, tiếng nói của các nước đang phát triển”.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nói trên báo Thế giới và Việt Nam

Các văn bản của ILC đều được các tòa án đọc và trích dẫn. Điều này sẽ giúp lan tỏa và khẳng định sự đóng góp lớn của Việt Nam trong luật quốc tế. Chúng ta đã thực sự có hành động chống lại tội ác diệt chủng từ những năm Việt Nam còn rất khó khăn và bị bao vây cấm vận.

Chúng ta cũng là bên đầu tiên khởi xướng, và tôi sau này cũng viết báo cáo riêng của khu vực, về vấn đề mực nước biển dâng tại Tây Thái Bình Dương và tác động của nó, cũng như vai trò của luật quốc tế trong vấn đề này.

Báo cáo nói trên được các bạn quốc tế, đặc biệt là các đảo quốc nhỏ, hoan nghênh. Điều này cũng góp phần vào lá phiếu họ dành cho Việt Nam.

Phái đoàn Việt Nam còn là bên đầu tiên đề nghị Liên Hợp Quốc đưa ra nghị quyết chọn ngày 27/11 hàng năm là ngày quốc tế bảo vệ con người khỏi các đại dịch trong tương lai.

Chúng ta đã đi đúng vào những vấn đề thế giới quan tâm. Đó cũng là một trong những lý do giải thích cho việc các nước bạn tin tưởng và bỏ phiếu cho Việt Nam vào ngày 12/11.

Luôn khách quan trong công việc

- Các thành viên ILC đóng góp kinh nghiệm nước mình và của nhóm các nước cùng lợi ích vào quá trình xây dựng luật quốc tế như thế nào? Đại sứ đã làm gì để hài hòa lợi ích quốc gia và tính khách quan khi công tác tại ILC?

- Các thành viên ILC phải đóng góp một cách khách quan, trung thực để giải quyết những vấn đề chung của luật quốc tế, thay vì vấn đề riêng của quốc gia. Là thành viên đại diện cho châu Á, tôi luôn lấy ví dụ của khu vực để đưa vào và làm sáng tỏ vấn đề lý luận trong luật quốc tế.

Vừa qua, tôi dẫn ra một số ví dụ không chỉ về Việt Nam mà còn liên quan tới ASEAN và các nước khác. Chẳng hạn, trong báo cáo mực nước biển dâng, tôi đưa ra ví dụ và phân tích một cách khách quan những ảnh hưởng tới Maldive, Việt Nam, Bangladesh…

Nguyen Hong Thao anh 4
ILC được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thành lập từ năm 1947 với nhiệm vụ thúc đẩy pháp điển hóa và phát triển tiến bộ luật pháp quốc tế. Ảnh: Liên Hợp Quốc.

34 thành viên của ILC trao đổi rất sôi nổi và quyết liệt nhưng trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau. Chúng tôi cũng luôn khẳng định mình đóng góp cho thế giới trên tinh thần ý kiến cá nhân, khách quan, không đại diện cho một quốc gia nào.

Kết quả bầu cử vừa rồi đã nói lên việc các nước bạn tin tưởng chúng ta đã làm tốt chức năng của một thành viên ILC khách quan, trung thực, đóng góp vào sự tiến bộ của luật quốc tế.

- Trong quá trình đại sứ làm việc tại ILC, có bao giờ một thành viên đưa ra ví dụ bất lợi cho Việt Nam hay không và chúng ta đã đấu tranh như thế nào?

- Có một số lần như thế. Chẳng hạn, khi đưa ra ví dụ về kế thừa quốc gia, báo cáo viên Cộng hòa Czech cho rằng Việt Nam đã không đúng khi quốc hữu hóa mọi tài sản của Mỹ trên lãnh thổ của chúng ta sau chiến tranh.

Tôi bác bỏ điều này và đưa ra các thỏa thuận Việt - Mỹ để khẳng định giữa hai bên có thỏa thuận chung theo dạng lump-sump agreement (thỏa thuận trọn gói - PV). Theo đó, phía Mỹ sẽ giải tỏa tất cả số tiền chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã gửi ở ngân hàng Mỹ, đồng thời Việt Nam sẽ trao trả lại những tài sản của Mỹ tại Việt Nam trên tinh thần hữu nghị. Đây cũng là một trong những thỏa thuận mở đường cho quá trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.

Báo cáo viên người Czech sau đó cũng gặp chúng tôi cảm ơn và nói sẽ điều chỉnh lại cho phù hợp với lịch sử cùng với thái độ của Việt Nam và Mỹ trong các vấn đề chung giữa hai nước.

- Đại sứ từng là trưởng đoàn đàm phán các hiệp định biên giới với Trung Quốc, Campuchia và Lào. Kinh nghiệm từ những năm đàm phán hiệp định biên giới đã giúp gì cho đại sứ khi công tác tại ILC?

- Lãnh thổ là vấn đề thiêng liêng của mỗi một dân tộc. Chúng ta cần giải quyết vấn đề ấy trên cơ sở luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền lẫn nhau để con cháu sau này không còn hiềm khích.

Trước kia, tôi hay đọc về lịch sử và các vấn đề biên giới. Sau này, tôi phục vụ trong hải quân và đã ở trên tàu của Lữ đoàn 125 để trực tiếp vận tải cho Trường Sa. Vì gắn bó với những vấn đề ấy, tôi cho rằng cần học luật để bảo vệ chủ quyền đất nước trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Đại sứ Nguyễn Hồng Thao trả lời Zing

Chúng tôi luôn quan niệm rằng không bao giờ nhường một tấc đất của Việt Nam, nhưng một tấc đất của bạn cũng không bao giờ xâm phạm. Chỉ trên tinh thần như vậy, chúng ta mới giải quyết được mọi hiềm khích quá khứ để xây dựng tương lai tốt đẹp, trên tinh thần tôn trọng chủ quyền, lợi ích của nhau.

Kinh nghiệm đàm phán giúp tôi rất nhiều trong việc đóng vai trò trung gian hòa giải khi các bên tranh luận. Chúng tôi tranh luận khách quan, vô tư nhưng cũng quyết liệt.

Các học giả bao giờ cũng bảo vệ đến cùng suy nghĩ của mình, còn các nhà ngoại giao thường tìm kiếm để đưa ra giải pháp hòa giải, có lợi và có thể chấp nhận được. Đó cũng là kinh nghiệm mà chúng ta áp dụng và được đồng nghiệp đánh giá cao.

Công lý sẽ chiến thắng

- Dự định của đại sứ trong nhiệm kỳ tới sẽ gồm những gì?

- Trong nhiệm kỳ tới, tôi sẽ cùng nhóm nghiên cứu tiếp tục hoàn thành 2 báo cáo về vấn đề mực nước biển dâng. Trước kia, chúng ta đã xem xét tác động của luật biển và sự liên quan tới mực nước biển dâng. Bây giờ chúng ta phải xem xét đến các tác động khác, như việc di cư do mực nước biển dâng.

Ngoài ra, nếu được chấp thuận, tôi và đồng nghiệp sẽ bắt tay khởi thảo dự thảo công ước quốc tế về bảo vệ con người trong đại dịch, bao gồm không chỉ vấn đề về sức khỏe mà còn về quyền đi làm, phân phối vaccine, hợp tác quốc tế và nhiều vấn đề Covid-19 đặt ra cho thế giới.

Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu về bảo vệ đa dạng sinh học, an ninh mạng và những vấn đề lớn đang thách thức đối với quốc tế.

Nguyen Hong Thao anh 5
Các thành viên ILC tham dự Khóa họp thứ 70 tại Geneva. Ảnh: TTXVN.

- Đại sứ có nói tới việc các nước đang ngày càng quan tâm và tôn trọng luật pháp quốc tế, cũng như việc giải quyết vấn đề bằng luật pháp quốc tế. Theo đại sứ, việc các nước tôn trọng luật pháp quốc tế đang được thực hiện như thế nào?

- Luật pháp quốc tế là công cụ giải quyết hòa bình tất cả tranh chấp quốc tế và tăng cường hợp tác giữa các quốc gia. Tuy nhiên, luật quốc tế dựa trên cơ sở thỏa thuận giữa các nước, việc thực thi luật quốc tế cũng dựa vào sự thiện chí của các nước.

Chúng ta phải đấu tranh giải thích luật quốc tế, áp dụng luật quốc tế cho đúng. Cuộc đấu tranh này bao giờ cũng rất lâu dài. Chúng ta đã có nhiều năm thì mới đi đến được nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, đã được khẳng định trong Hiến chương Liên Hợp Quốc năm 1945.

Từ đó tới nay, còn rất nhiều cuộc xung đột mang lại hậu quả tàn khốc cho thế giới vì cách hiểu khác nhau. Nhưng chúng ta vẫn phải vững tin vào luật quốc tế, phải đấu tranh từ sự kiện nhỏ tới sự kiện lớn, tạo ra dư luận quốc tế để điều chỉnh hành vi các nước cho phù hợp với luật quốc tế.

Tất cả quốc gia phải tôn trọng chủ quyền của nhau, tôn trọng trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Đây là nhiệm vụ khó khăn và lâu dài, đòi hỏi nỗ lực của tất cả quốc gia, tất cả thành viên cộng đồng quốc tế. Chúng ta không thể đốt cháy giai đoạn mà phải kiên trì đấu tranh vì cuối cùng, công lý sẽ chiến thắng.

Theo Quốc Đạt - Cảnh Toàn
Zingnews
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com