Toggle navigation
Người Việt ở lậu tại Úc dễ bị cuốn vào hoạt động phi pháp
03/11/2019 | 07:02 GMT+7
Chia sẻ :
Hơn 2.000 người Việt Nam đang ở lại Úc quá hạn visa. Điều đáng quan ngại là, những người này dễ bị cuốn vào các hoạt động phi pháp, trong đó có trồng cần sa.
Người Việt di cư bất hợp pháp có nguy cơ bị cuốn vào hoạt động phi pháp.
Người Việt di cư bất hợp pháp có nguy cơ bị cuốn vào hoạt động phi pháp.

N. (30 tuổi) từ Việt Nam sang Úc du học từ năm 2009. Đến tháng 9/2013, visa du học của N. vừa hết hạn. Sau đó, N. nấn ná tìm cách ở lại bất hợp pháp.

Hơn một năm sau, vào tháng 12 2014, N. bị cảnh sát thành phố Sunshine, tiểu bang Victoria, Úc, bắt giữ vì tội trồng cần sa. Sau đó, N. bị chuyển đến Trung tâm giam giữ người tạm trú Maribyrnong.

Lúc đó, N. đã tính chuyện quay trở về Việt Nam và nói với bạn gái, quốc tịch Úc, gửi passport vào trại giam để N. đi về. Nhưng sau đó, N. cảm thấy không đành lòng trước cảnh sẽ phải chia xa người bạn gái nên anh quyết định ở lại và tìm tư vấn luật pháp từ các luật sư. Nhưng các luật sư cũng không giúp được anh.

Và rồi, sau hơn ba tháng bị giam trong trại giam di trú, N. quyết định vượt ngục.

Tháng 3/2015, N. vượt ngục thành công. Nhưng cũng từ đó, anh và bạn gái phải sống cảnh trốn chui trốn lủi. Họ phải cắt đứt liên lạc với bạn bè, người thân.

Nhưng cuộc sống càng lúc càng khó khăn hơn, khi N. không có bằng lái xe và không kiếm được việc làm. Thêm vào đó, bạn gái của N. mang thai.

Không thể tiếp tục cuộc sống như thế, N. quyết định gõ cửa các văn phòng luật sư lần nữa để tìm sự trợ giúp về pháp l‎ý để được danh chính ngôn thuận ở lại Úc.

Với sự tư vấn của luật sư, tháng 3/2019, N. quyết định ra đầu thú.

N. là một trong những trường hợp mà ông Tạ Quang Huy, Giám đốc Công ty tư vấn di trú TQH Lawyers & Consultants, cũng là cố vấn của Viện di trú Úc (MIA), từng đại diện về pháp l‎ý.

Ông Huy, trong cuộc phỏng vấn với BBC News Tiếng Việt hôm 30/10/2019, cho hay: "Năm 2018, theo số liệu của Bộ Di trú Úc, có hơn 2.340 người Việt Nam đang ở lậu tại đây. Trong năm tài khóa 2016/2017, Chính phủ Úc đã trục xuất 380 người Việt Nam. Đến nay, theo ước tính một cách khiêm tốn của tôi từ thực tế công việc, có khoảng 2.500 người Việt đang ở lậu tại Úc, tức là những người ở lại sau khi quá hạn visa."

Trong số này có những người tham gia vào việc trồng cần sa.

"Tập đoàn tư vấn Luật của tôi chuyên về lĩnh vực di trú (Visa bảo lãnh gia đình) và các vụ trọng án hình sự. Do đó việc khách hàng từng là người ở lậu tại Úc là điều không hề khó gặp," ông Huy nói.

Vị cố vấn di trú có văn phòng ở cả Úc và Việt Nam cho biết, đến nay, văn phòng của ông đã đại diện cho hơn 300 người trồng cần sa từng bị bắt sau các đợt truy quét của cảnh sát vào các ngôi nhà trồng cần.

Tuy nhiên, theo ông Huy, thực ra, tội phạm trồng cần sa của Úc mang quốc tịch Việt Nam chỉ là con số nhỏ so với tổng số tội phạm về tội này.

"Tuy nhiên, do cộng đồng Việt Nam vẫn giữ văn hoá truyền thống đọc và truyền thông tin chủ yếu bằng Tiếng Việt, nên người Việt chỉ nhìn thấy bề nổi của cộng đồng người Việt mà ít khi có một cái nhìn tổng quan toàn nước Úc," ông Huy giải thích.

Hy vọng đổi đời

Hồi năm 2018, một bài báo của Cơ quan Truyền thông Úc (ABC) phát hiện ra rằng, việc trồng cần sa ở Úc phổ biến hơn nhiều so với những gì mà cảnh sát nghi ngờ.

Bài báo cũng cho biết rằng, trong mạng lưới của ngành kinh doanh trị giá hàng tỷ đô la này, các tập đoàn tội phạm có tổ chức của người Việt có vị trí quan trọng.

ABC đưa ra mô hình kinh doanh của mạng lưới này với ba tầng, bên trên là những tên cầm đầu, giữa là những kẻ điều hành và dưới cùng là những người trồng cần.

Mô hình ngành trồng cần sa ở Úc, theo ABC
Mô hình ngành trồng cần sa ở Úc, theo ABC

Hầu hết những người bị cảnh sát bắt giữ khi đang trồng cần đều nói rằng họ bị dụ dỗ vào công việc này nhưng cố vấn Huy nói rằng, họ đến Úc với thị thực du học hay du lịch, và sau đó tham gia trồng cần với hy vọng kiếm được tiền.

"Tôi cho rằng, tại nước Úc không ai có thể ép buộc ai làm việc gì cả. Vả lại việc trồng cần sa lại là phi pháp nữa thì câu trả lời còn lại là họ lựa chọn để trồng... chắc hẳn là vì mục đích kinh tế," ông Huy nói.
Cố vấn di trú Tạ Quang HuyBản quyền hình ảnhNVCC
"Tôi cho rằng, tại nước Úc không ai có thể ép buộc ai làm việc gì cả. Vả lại việc trồng cần sa lại là phi pháp nữa thì câu trả lời còn lại là họ lựa chọn để trồng... chắc hẳn là vì mục đích kinh tế"Tạ Quang Huy, Cố vấn Viện Di trú Úc

Người Việt Nam hiện đã được phép qua Úc làm việc kết hợp nghỉ dưỡng theo diện 'work and holiday visa.' Vậy nhưng, lao động Việt dùng visa du học hay du lịch sang Úc sau đó tìm cách ở lậu vẫn tăng.

Ông Huy lý‎ giải chuyện này rằng: "Việc Úc có visa lao động nhưng vẫn có người ở lậu nhiều, ở đây có hai vấn đề. Thứ nhất, số lượng visa lao động mà năm 2019 chính phủ Úc sẽ cấp cho Việt Nam là 1.500 trường hợp. Con số này rất nhỏ so với lực lượng lao động Việt Nam có nhu cầu sang Úc làm việc. Ngoài ra, dạng visa này chính phủ Úc mới chỉ cấp cho Việt Nam những năm gần đây. Trước đó một thời gian dài, người Việt Nam không thể tiếp cận loại visa này.

"Thứ nhì là trình độ lao động. Chính phủ Úc sàng lọc khắt khe các điều kiện về trình độ cũng như kinh nghiệm lao động. Và họ chỉ muốn nhận những người có tay nghề thực sự vào Úc," theo ông Huy.

Giải pháp ngăn chặn

Ông Huy nói rằng, chính sách di trú Úc rất nghiêm khắc. Tuy nhiên, các dịch vụ di trú không có đăng ký với Sở Đăng ký đại diện di trú (OMARA), trực thuộc Bộ Nội Vụ Úc, đang hoạt động ngoài và trong lãnh thổ Úc đã đem lại những hình ảnh xấu cho nước Úc.

Những dịch vụ không giấy phép này thường hay dệt mộng cho những người đang có giấc mơ được định cư tại đất nước được xếp vào nhóm đáng sống trên thế giới này.

Trên Facebook, hiện có rất nhiều lời mời tham gia vào các dịch vụ lao động hay định cư tại Úc, họ đưa ra các thông tin không chính xác hay lừa đảo.

Mới đây nhất, ngày 26/10, Công an tỉnh Nghệ An cho biết, cơ quan này vừa quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 nghi phạm để điều tra hành vi tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài.

Theo đó, có khoảng 400 nạn nhân đã nộp hàng trăm ngàn đô la cho 4 nghi phạm để được sang Úc lao động, nhưng rồi không ai sang được Úc làm việc.

Ông Huy nói: "Lâu nay, tôi đã kiến nghị tới Thủ tướng, Bộ trưởng cũng như Thứ trưởng Nội vụ Úc về việc phải ngăn chặn các đối tượng chỉ muốn lừa người khác qua con đường di trú vào Úc.

"Hiện tại, OMARA không có chức năng điều tra các cá nhân hoặc tổ chức không có đăng ký với Bộ.

"Thời gian gần đây, chính phủ Úc có lắng nghe và hy vọng sắp tới luật sẽ được ban hành, theo hướng chính phủ chỉ nhận hồ sơ của những đại diện di trú có đăng ký với OMARA, bất kể những hồ sơ này được nộp ở trong hay ngoài lãnh thổ Úc."

Nói về những giải pháp nhằm giúp công dân Việt Nam ra đi tìm cơ hội hợp pháp, ông Huy cho rằng, cơ hội để được làm việc và sự công bằng trong cơ hội đó là vấn đề.

"Việt Nam có dân số trẻ trong độ tuổi lao động cao. Bởi vậy, chính phủ cần có giải pháp cụ thể để giúp những người này lao động có cơ hội tìm kiếm việc làm ổn định. Điều này sẽ giảm thiểu được tình trạng những người lao động khó khăn tìm đường ra nước ngoài làm việc và sinh sống bất hợp pháp," ông Huy chia sẻ.

Trở lại với trường hợp của N., cố vấn di trú Huy cho biết, hiện N. đã có một kết thúc có hậu khi mới đây, N. đã thành thường trú nhân (PR) và có cuộc sống ổn định hơn tại Úc.

Tuy nhiên, không phải ai rồi cũng sẽ tìm được một kết thúc như vậy.

Như N. tâm sự trên YouTube rằng, "Mỗi người một hoàn cảnh, không ai giống ai. Nhiều bạn hiện đang phải trồng cỏ hay bán đá… Nhưng em chỉ hy vọng rằng, các bạn đừng lao sâu vào con đường đó, vì cuối cùng, sẽ không có gì tốt đẹp cả."

Theo Lê Viết Thọ
BBC News Tiếng Việt
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com