Toggle navigation
Thư từ Mỹ: Phán quyết của thẩm phán Mỹ
14/08/2019 | 07:05 GMT+7
Chia sẻ :
Từ phán quyết của thẩm phán Richard Berman đối với tỉ phú Jeffrey Epstein, tôi nhớ đến đến thẩm phán tốt bụng Frank Caprio tha cho một cụ ông 96 tuổi bị phạt lỗi chạy quá tốc độ gần trường học...
Thư từ Mỹ: Phán quyết của thẩm phán Mỹ - Ảnh 1.
Đảo tư nhân Little Saint James tại quần đảo Virgin thuộc Mỹ là nơi ở chính của Epstein. Hòn đảo rộng 0,28km2 mà Epstein gọi là “Little St. Jeff’s” nằm ngoài khơi bờ biển St. Thomas và bao gồm 5 tòa nhà: một biệt thự, một thư viện, rạp chiếu phim... - Ảnh: REUTERS

Tỉ phú Jeffrey Epstein được xác nhận đã chết trong nhà tù vào ngày 10-8. Thông tin này đã gây chấn động nước Mỹ, được coi như một xìcăngđan lớn bởi nó chưa thể kết thúc.

Chính quyền đã yêu cầu điều tra rốt ráo, trong khi các thuyết âm mưu chạy rầm rầm trên mạng.

Không ít người tin rằng Epstein bị giết để "bịt đầu mối" chứ không phải vì chán ngán, buồn tình mà treo cổ chi cả. Chả biết đúng sai thế nào nhưng trong vụ việc này, tôi lại nhớ đến câu chuyện thẩm phán xử lý Epstein về việc cho ông ta nộp tiền thế chân để tại ngoại chờ ngày ra tòa (dự kiến vào tháng 6-2020).

Trong phán quyết về yêu cầu cho phép tỉ phú Epstein tại ngoại với mức bảo lãnh hơn 100 triệu USD, thẩm phán liên bang Richard Berman nêu rõ tỉ phú này là đối tượng gây nguy hiểm cho người khác lẫn cộng đồng và có nguy cơ cao bỏ trốn ra nước ngoài.

Nhóm luật sư đại diện cho Epstein chuẩn bị cẩn thận với các biện pháp ngăn chặn cho thân chủ mình như bị giam lỏng ở nhà, gắn còng chân điện tử và gắn camera theo dõi tòa nhà, nhưng thẩm phán Berman nói thẳng: "Tôi nghi ngờ bất kỳ gói bảo lãnh nào có thể ngăn chặn được mọi nguy hiểm cho cộng đồng".

Trong phán quyết, thẩm phán Berman dẫn các chứng cứ như bị can Epstein sở hữu một máy bay cá nhân, một hộ chiếu Áo giả mạo và 70.000 USD tiền mặt trong nhà, điều đó cho thấy bị can có thể rời Mỹ bất kỳ lúc nào.

Thẩm phán Berman đã không hề e sợ danh tiếng lâu nay của Epstein, vốn khét tiếng với kiểu chơi dưới thắt lưng lẫn các quan hệ với toàn tai to mặt lớn. Dẫn chứng đã có từ thời Epstein dính líu vào pháp luật từ năm 2005. Ba năm sau đó, ông ta bị ghi tiền sự "tội phạm tình dục" nhưng vẫn thoát án.

Với rất nhiều nạn nhân của Epstein, ông ta đã phải trả giá cho những gì mình đã làm: dùng tiền chiêu dụ các cô gái trẻ tuổi con nhà khó khăn phục vụ nhu cầu tình dục cho mình và cho cả "bạn bè, đối tác làm ăn".

Ở nước Mỹ, người ta từng thần tượng Epstein bởi đó là một người tay trắng tạo nên sự nghiệp. Từng làm việc trong ngân hàng đầu tư từ những năm 1970, nhưng Epstein lại "khởi nghiệp" ở New York trong vai trò thầy giáo dạy toán của trường lớn Dalton School.

Epstein được cho là giàu lên nhanh chóng với nghề quản trị tài chính cho các chủ nhà giàu. Nhưng ông ta cũng chẳng phải tay vừa nếu tin vào lời tố cáo của tỉ phú Leslie Wexner - người sở hữu thương hiệu đồ lót Victoria Secret. Tỉ phú Wexner cho rằng Epstein đã thó của mình 46 triệu USD trong thời gian làm quản lý tài chính cho tập đoàn của ông.

Những tai tiếng liên quan đến Epstein cũng không ít như những lần mua bất động sản với giá bèo không tưởng, đồn đoán trốn thuế và những bữa tiệc thác loạn. Nhưng rồi ông ta vẫn thoát nạn và nhiều người vẫn nhìn ông ta như một trong những đại diện của "Giấc mơ Mỹ", nơi mà mọi cá nhân đều có cơ hội công bằng để thành công.

Câu chuyện về Epstein rồi sẽ qua đi, ít nhất là trước mắt với ông ta. Còn ai dính líu tiếp tục thì sẽ bị pháp luật trừng trị. Nhiều người sẽ tặc lưỡi nghĩ thế, rồi tiếp tục cuộc sống của mình.

Tôi cũng thế. Nhưng tôi vẫn cứ hay nghĩ về quyết định mạnh mẽ của thẩm phán Berman trong phiên tòa ngày 18-7 vừa qua. Nếu ông sợ hãi, nếu ông bị o ép thì có thể câu chuyện giờ đây sẽ khác.

Cũng chuyện thẩm phán, vài ngày qua người Mỹ đang lan truyền câu chuyện thẩm phán tốt bụng Frank Caprio tha cho một cụ ông 96 tuổi bị phạt lỗi chạy quá tốc độ ở gần trường học. Những đối đáp của họ tại tòa đã được hơn 33 triệu lượt xem.

Tại tòa, cụ ông giải thích rằng mình đã quá già để mà vội, để mà phải lái xe nhanh. Cụ lỡ như thế do đưa con trai (đã 63 tuổi) bị tật nguyền đi xét nghiệm máu vì người con bị ung thư.

Trước lời giải thích đó, câu trả lời của thẩm phán Caprio là: "Cụ hiện thân cho các giá trị của nước Mỹ. Cụ đã hơn 90 mà vẫn còn lo cho gia đình. Thật là đáng trân trọng".

Rồi ông cho đóng hồ sơ, bãi tòa.

Theo HIỀN NGUYỄN (từ California)
Tuổi Trẻ
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com