Toggle navigation
Mobile Money: Điều kiện đã thuận lợi, chỉ còn thiếu luật
15/10/2019 | 03:17 GMT+7
Chia sẻ :
Chỉ số về dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động (Mobile Money Regulatory Index) là một công cụ được Tổ chức GSMA công bố gần đây để đưa ra đánh giá định lượng về mức độ hiệu quả trong việc thiết lập môi trường pháp lý tạo điều kiện cho mobile money phát triển bền vững.

Chỉ số này dựa vào các kỹ thuật định tính và định lượng để tính toán điểm số cho hơn 80 quốc gia, nhờ đó có thể cho ra các thang đo khách quan về mức độ hiệu quả của các quy định quản lý mobile money.

Các nội dung được chú trọng trong chỉ số này bao gồm: Ủy thác; định danh khách hàng (KYC); bảo vệ người tiêu dùng; mạng lưới đại lý; giới hạn giao dịch; đầu tư và cơ sở hạ tầng (GSMA, 2019b). Chỉ số cũng giúp cung cấp một nền tảng cho đối thoại giữa khu vực công và tư nhân về các cải cách có thể thúc đẩy tăng trưởng.

Ủy thác (Authorisation): Khía cạnh này xem xét các tiêu chí cần thiết để được phép cung cấp dịch vụ mobile money; các công cụ ủy quyền có liên quan như pháp luật, quy định, hướng dẫn; và tỷ lệ theo yêu cầu về vốn pháp định.

Ủy thác có trọng số cao nhất trong các nội dung của chỉ số, ở mức 30%, do tầm quan trọng của nó trong việc xác định các tiêu chí đủ điều kiện cho các nhà cung cấp mobile money không phải là ngân hàng. Việt Nam là một trong 10 quốc gia có điểm số này cao nhất nhờ Chính phủ có sự trao đổi thường xuyên với các công ty trong ngành, và các yêu cầu ủy thác khai thác dịch vụ cho các công ty phi ngân hàng, đặc biệt là các nhà mạng di động, tạo điều kiện tốt cho các công ty này tham gia vào thị trường.

Bảo vệ người tiêu dùng (Customer protection): Nội dung này đánh giá các cơ chế khắc phục, bồi thường và công bố thông tin của người tiêu dùng và các quy định để bảo vệ tài khoản mobile money của khách hàng, bao gồm các biện pháp bảo hiểm tiền gửi.

Đa số các quốc gia có các quy tắc rõ ràng yêu cầu các nhà cung cấp mobile money công khai Quy định chuyển tiền. Ở các quốc gia chỉ có ngân hàng được phép cung cấp dịch vụ mobile money, quy tắc bảo vệ tiền của khách hàng đã được đưa ra vì các ngân hàng phải tuân thủ các yêu cầu về bảo vệ tiền gửi của khách hàng.


Ở nội dung này Việt Nam đạt 80/100 điểm, một mức khá cao, nhờ những quy định khá chặt chẽ nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng của cơ quan quản lý ngành là Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tuy nhiên điểm số quá cao, mặc dù đảm bảo tốt quyền lợi cho khách hàng, nhưng sẽ dẫn đến chi phí cung cấp dịch vụ mobile money tăng.

Giới hạn giao dịch (Transaction limits): Đây là nội dung liên quan đến tỷ lệ của số dư tài khoản và giới hạn giao dịch. Ở khía cạnh này, Việt Nam đạt điểm tuyệt đối, cho thấy quan điểm của NHNN tương đối thoáng trong quy định về hạn mức giao dịch và số dư tài khoản, giúp gia tăng nhu cầu sử dụng mobile money. Tuy vậy, quy định thoáng như vậy có thể dẫn đến các đối tượng lợi dụng cho các mục đích rửa tiền hay tiêu cực khác.

Định danh khách hàng (KYC): Nội dung này xem xét các yêu cầu về định danh khách hàng; chống rửa tiền và kết hợp các nghĩa vụ chống lại tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố; và hướng dẫn được cung cấp bởi các nhà quản lý về các yêu cầu liên quan đến giấy tờ tùy thân.

Việt Nam chỉ đạt 50/100, cho thấy khung pháp lý về mặt này vẫn còn nhiều vấn đề. Hơn nữa, vấn đề định danh khách hàng vẫn còn nhiều trở ngại ở Việt Nam, như vấn đề sim rác. Việt Nam có thể học hỏi mô hình của các quốc gia láng giềng như Philippines (điểm 70/100) và đặc biệt là Kenya (điểm 100/100).

Mạng lưới đại lý (Agent Network): Liên quan đến các tiêu chí đủ điều kiện cho các đại lý; các hoạt động được phép của họ; và điều kiện liên quan đến mạng lưới của đại lý. Cho đến nay, GSMA vẫn chưa đánh giá Việt Nam ở nội dung này, cho thấy các quy định liên quan tới mạng lưới đại lý vẫn chưa đầy đủ và rõ ràng để có thể đánh giá. 

Môi trường đầu tư và cơ sở hạ tầng (Infrastructure and Investment environment): Liên quan đến các yếu tố bên ngoài như thuế; cơ sở hạ tầng để xác minh định danh; cơ sở hạ tầng tương tác giữa các mạng lưới; các quy định về việc sử dụng hoặc phân phối thu nhập lãi và các chính sách, bao gồm tài chính quốc gia. Ở nội dung này Việt Nam đạt 65/100 điểm, chỉ cao hơn Kenya nhưng lại thua kém nhiều so với các nước láng giềng như Philippines và Bangladesh.

Tóm lại, để phát triển dịch vụ mobile money ở Việt Nam, khung pháp lý cho lĩnh vực này có vai trò rất quan trọng. Một khung pháp lý mang tính hỗ trợ sẽ tạo điều kiện cho các công ty tham gia, tăng nhu cầu cho khách hàng sử dụng dịch vụ này trong khi vẫn đảm bảo được mức bảo mật cao và tránh các vấn đề như rửa tiền.

Muốn các mô hình dịch vụ tài chính mới như mobile money khởi sắc, các cơ quan quản lý phải cân bằng giữa việc cởi mở với những thử nghiệm và đổi mới và sự chắc chắn về khung pháp lý để bảo vệ người dùng, an toàn hệ thống, tuân thủ các cam kết quốc tế về phòng chống rửa tiền và phân rõ trách nhiệm pháp lý của các bên liên quan. Bộ chỉ số Mobile Money Regulatory Index của GSMA đã có những đánh giá khá chi tiết đối với mức độ hiệu quả của khung pháp lý trong việc tạo điều kiện cho mảng mobile money phát triển bền vững tại Việt Nam. Các công ty công nghệ tài chính (FinTech) và các cơ quan quản lý có thể tham khảo các bộ chỉ số này, học hỏi các quốc gia có các thứ hạng cao trong từng chỉ số con để có các chính sách phù hợp hơn, đưa mobile money đến gần hơn với người dùng Việt Nam.

Mobile money (dịch vụ tiền điện tử trên thuê bao di động hay dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động) đang được Bộ Thông tin và Truyền thông và Ngân hàng Nhà nước xúc tiến triển khai tại thị trường Việt Nam với mục tiêu là cho một số doanh nghiệp dịch vụ viễn thông thực hiện thí điểm trong năm 2019.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, mobile money là giải pháp để thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiền mặt, đồng thời nó cũng là công cụ quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế số phát triển.

Một trong những trở ngại khi triển khai mobile money tại Việt Nam là chưa có khuôn khổ pháp lý cho loại hình dịch vụ này. Hiện chưa có bất kỳ luật nào của Việt Nam quy định về mobile money và đơn vị cung cấp dịch vụ mobile money.

Tuy nhiên, Việt Nam đã có một số quy định pháp lý cho một loại hình dịch vụ khá gần gũi với mobile money, đó là ví điện tử.

Theo Nghị định 80/2016/NĐ-CP, ví điện tử là dịch vụ cung cấp một tài khoản điện tử định danh do các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tạo lập trên vật mang tin (như chip điện tử, sim điện thoại di động, máy tính...). Ví điện tử cho phép lưu giữ một giá trị tiền tệ được đảm bảo bằng giá trị tiền gửi, tương ứng với giá trị tài khoản thanh toán của khách hàng gửi vào tài khoản đảm bảo thanh toán của tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán theo tỷ lệ 1:1.

Theo TS. Nguyễn Thanh Liêm - ThS. Nguyễn Vĩnh Khương
Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com