Toggle navigation
Chống tin giả, cuộc chiến nhiều thách thức
20/06/2019 | 03:12 GMT+7
Chia sẻ :
Sự phát triển của công nghệ trong thời đại 4.0 đã khiến mạng Internet nói chung và mạng xã hội nói riêng tạo ra nhiều giá trị tích cực cho cộng đồng. Tuy nhiên, mặt trái của nó, đặc biệt là vấn nạn tin giả, với dụng ý bóp méo sự thật đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống con người.
Thực tế này đã đặt ra nhiều trọng trách cho các cơ quan, đơn vị báo chí với vai trò quan trọng trong việc định hướng dư luận, cập nhật thông tin khách quan, không để bạn đọc bị “dẫn dắt” trước những thông tin sai lệch, chưa được kiểm chứng từ mạng xã hội.

Theo dòng thời sự, nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6, nhằm kết nối, giao lưu, chia sẻ quan điểm, góc nhìn giữa người làm báo - bạn đọc trong cuộc chiến chống tin giả nhiều thách thức, Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức tọa đàm “Nhà báo và bạn đọc trong cuộc chiến chống tin giả” vào hôm nay, 19-6, tại Hội trường Thời báo Kinh tế Sài Gòn, số 35 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1, TPHCM.

Tọa đàm có sự tham gia của và các khách mời: Tiến sĩ luật Đinh Thị Thanh Nga, Tiến sĩ tâm lý Lê Thị Linh Trang, Nhà báo Lê Thanh Phong và ông Trần Minh Hùng - Tổng biên tập Nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn cùng nhiều nhà báo, các bạn sinh viên và các bạn độc giả.


Quang cảnh toàn buổi tọa đàm “Nhà báo và bạn đọc trong cuộc chiến chống tin giả”.

Thay mặt ban tổ chức, phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Trần Minh Hùng - Tổng biên tập Nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn, cho biết:

Tin giả có thể làm đau đầu nhiều doanh nghiệp bởi đưa sai sự thật. Và người dùng rất dễ bị dẫn dắt bởi tin giả. Sự phát triển công nghệ đã tạo điều kiện cho người dùng tiếp xúc với rất nhiều loại thông tin, trong đó có nhiều dạng thông tin giả (dễ phát hiện) nhưng còn rất nhiều dạng thông tin chưa kiểm chứng, không biết đúng hay sai (khó phát hiện) dẫn đến nhiều hệ lụy nguy hiểm. Một mặt nó có thể gây các tác động bị động, nghĩa là tiếp xúc và tin nguồn tin đó; một mặt nguy hiểm hơn tạm gọi là tích cực, nghĩa là cứ tiếp xúc với dạng tin đó mà không suy nghĩ thấu đáo thì sẽ suy nghĩ, hành động theo hướng mà tin đó đưa ra.

Nhiều nhà báo lấy mạng xã hội làm nguồn tin tác nghiệp và không ít nhà báo gặp phải trường hợp bài báo của mình bị dẫn dắt bởi nguồn tin không biết đúng hay sai về mặt xã hội.

Ông hy vọng buổi tọa đàm sẽ mổ xẻ những tác động và thách thức giúp bạn đọc và các nhà báo có cái nhìn sâu hơn về cuộc chiến này.


Ông Trần Minh Hùng - Tổng biên tập Nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn.

Tiếp lời khai mạc của ông Trần Minh Hùng, các khách mời tham gia phát biểu ý kiến tại buổi tạo đàm.

Tiến sĩ luật Đinh Thị Thanh Nga: Cuộc chiến chống tin giả: "Vấn đề không dễ giải quyết".

Theo TS Đinh Thị Thanh Nga, tin giả là vấn nạn chung mà các chính phủ trên toàn thế giới đang vật lộn để giải quyết, đặc biệt trong thời đại hiện nay khi Internet trở nên quá phổ biến và bất kỳ ai cũng có thể là tác nhân sản xuất và lan truyền thông tin với tốc độ chóng mặt.

Tin giả có thể đầu độc những diễn đàn xã hội, làm sai lệch nhận thức của số đông và đe dọa sự phát triển lành mạnh và dân chủ của xã hội".

Vì thế cuộc chiến chống tin giả ngày một mạnh mẽ. Pháp luật Việt Nam nói riêng và các nước nói chung đều có các quy định nhằm vào 3 mục tiêu: phòng ngừa, phát hiện và xử lý các thông tin.

Về phòng ngừa, tức là ngăn chặn các thông tin giả và sự lan truyền của nó trên các phương tiện đại chúng, đặc biệt là Internet, khá nhiều quốc gia đã thông qua các đạo luật để kiểm soát thông tin trên các mạng xã hội (kiểm duyệt) như Australia, newzealand, Đức, gần đây là Nga và Singapore. Hầu hết các đạo luật đều khá mạnh tay với việc chế tài các công ty truyền thông hay các mạng xã hội (MXH) trong cung cấp thông tin để (tự kiểm duyệt) phòng ngừa nguy cơ tin giả và xử lý nhanh chóng khi có fake news.



Đáng chú ý là Singapore với Luật chống tin giả và thao túng trên mạng với các chế tài khá mạnh. Trong số các biện pháp được đề xuất có khoản phạt lên tới 1 triệu đôla Singapore (hơn 17 tỉ đồng) và mức tù tối đa 10 năm đối với các trường hợp lan truyền tin giả nghiêm trọng nhất.

Đài Loan cấm các dịch vụ truyền phát video trực tiếp của Trung Quốc còn Trung quốc thì kiểm duyệt bằng cách cấm toàn bộ các MXH của nước ngoài hoạt động.

Việt Nam cũng đã ban hành Luật An ninh mạng không chỉ nghiêm cấm các hành vi như:

- Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc;

- Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác;

Điều 26 khoản 3 của Luật An ninh mạng còn nêu rõ: Doanh nghiệp trong nước và ngoài nước cung cấp dịch vụ cho người dùng trên mạng tại Việt Nam phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện và lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam trong thời gian theo quy định của Chính phủ.

Về phát hiện tin giả thì khái niệm tin giả và thẩm quyền xác định tin giả có sự khác biệt giữa các quốc gia. Một số nước hiểu tin giả là: thông tin sai sự thật, một phần sự thật, giả tạo, không dựa trên chứng cứ khách quan hoặc chưa được kiểm chứng nhưng không bao gồm các thông tin theo dạng đánh giá (comment), quan điểm, ý kiến, bình luận. Một số nước khác lại xác định tin giả gồm cả 2 loại trên.

Ngày 13-3, Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga đã thông qua dự luật cấm phổ biến thông tin giả mạo và xúc phạm biểu tượng nhà nước trên môi trường mạng. Thông tin được thể hiện dưới hình thức khiếm nhã, xúc phạm nhân phẩm và đạo đức xã hội, thiếu tôn trọng xã hội, nhà nước, các biểu tượng nhà nước chính thức của Nga. Cấm truyền bá các thông tin giả mạo "có tầm ảnh hưởng xã hội lớn", có nguy cơ gây nguy hại cho cuộc sống của công dân, gây xáo trộn trật tự xã hội quy mô lớn hoặc vi phạm an ninh công cộng, có thể bị phạt 100.000 rúp/cá nhân hoặc 1 triệu rúp với tổ chức.



Một vấn đề nữa là thẩm quyền xác định tin giả cũng có sự phân hóa. Ở các nước cứng rắn thì quyền xác định thông tin giả là các cơ quan hành pháp như Singapore. Các bộ trưởng thuộc Chính phủ Singapore có toàn quyền buộc các trang web đăng cải chính hay gỡ bỏ tin họ cho là tin giả.

Việt Nam với các biện pháp chế tài rất mạnh mẽ như buộc gỡ bỏ thông tin trong 24h và phạt ngay, thậm chí đóng cửa trang mạng.

Một số nước khác thì trao quyền cho toà án hoặc bên thứ 3 như Pháp, Đức, Nga thông qua một phiên xử.

Tuy nhiên điểm chung là các hình thức chế tài pháp lý đối với đơn vị truyền thông, trang mạng cũng như cá nhân khi cung cấp và lan truyền tin giả ngày một khắt khe hơn ở các nước.


Tiến sĩ Luật Đinh Thị Thanh Nga phát biểu tại buổi tọa đàm.

Ở Việt Nam, việc xử phạt tin giả được quy định như sau:

- Vi phạm hành chính: theo Nghị định 174/NĐ-CP/2013, mức phạt từ 5tr đến 100 triệu, tước giấy phép 1 đến 3 tháng

- Bồi thường thiệt hại dân sự

- Xử lý kỷ luật đối với cá nhân đưa thông tin

- Truy cứu trách nhiệm hình sự (cá nhân)

Điều 156 Bộ luật Hình sự, tội vu khống:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm:

- Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;

- Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm:

- Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

Với tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ sẽ bị xử với mức hình phạt nặng.

Theo TS Đinh Thị Thanh Nga, xu hướng lập pháp mới của các nước sẽ là: cụ thể hóa, chế tài nặng hơn, ngăn ngừa kiểm duyệt khắt khe hơn. Do đó, điều này sẽ mất tính khách quan, thể hiện xu thế không dân chủ và làm mất cơ hội phản biện của người dùng.

Tiến sĩ tâm lý học Lê Thị Linh Trang - Học viện Cán bộ TPHCM: Làm sao để trở thành người tiêu dùng tin tức thông minh?

Theo TS Lê Thị Linh Trang, nhiều người sẵn sàng chia sẻ hình ảnh của người khác mà chưa hề có thẩm định cho đến khi cơ quan điều tra đưa ra bằng chứng sự việc không phải như vậy.

Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của nạn nhân là tin giả. Thậm chí có người tìm đến cái chết vì áp lực từ những tin giả.

Hậu quả của một doanh nghiệp tổn thất bao nhiêu, chính trị bất ổn như thế nào nhiều khi không đo đếm được nhưng không hề nhỏ.


Tiến sĩ Tâm lý học Lê Thị Linh Trang.

TS Trang dẫn ra những tác động tiêu cực của tin giả:

- Gây tổn hại uy tín cá nhân và tổ chức, định hình suy nghĩ và thái độ lệch lạc của con người, gây hoang mang, tạo dư luận xấu.

- Gây kích động thù hằn, kích động bạo lực, dâm ô, thù nghịch, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục.

- Làm nhũng nhiễu thông tin nội bộ quốc gia, gây bất ổn chính trị, phân chia tôn giáo, sắc tộc.

Trong đó, định hình suy nghĩ và thái độ lệch lạc của con người là hậu quả lớn nhất. Mọi thứ trong cuộc đời được quyết định bởi suy nghĩ và thái độ chúng ta, chính những tin giả này làm ảnh hưởng tới chúng ta.

Chúng ta đừng nghĩ rằng tin giả không ảnh hưởng tới chúng ta. Chính những tin giả này làm suy giảm nghiêm trọng niềm tin của công chúng vào truyền thông, báo chí truyền thống. Tin giả đã đầu độc những diễn đàn xã hội, đe dọa sự phát triển lành mạnh và dân chủ của xã hội.

Tại Hội thảo quốc tế Canada 11-2017 nhiều diễn giả cho rằng, cần phải để cho người dân hiểu rõ hơn vấn nạn này và giúp họ có khả năng phân biệt được tin thật và tin giả để có thể tự bảo vệ mình tốt hơn.



Làm sao để trở thành người tiêu dùng tin tức thông minh?

Các chuyên gia của Đại học Stony Brook (Mỹ) đề xuất một phương pháp thẩm định thông tin bằng công thức I'M VAIN:

- Independent (nguồn tin có khách quan, độc lập với nội dung thông tin)

- Multiple (nguồn tin có đa chiều không)

- Verify (thông tin có được xác nhận, có bằng chứng, có thẩm định chưa)

- Authoritative (nguồn cung cấp tin có thẩm quyền không)

- Informed (thông tin ấy có được bằng cách nào)

- Named (nguồn tin có tên tuổi cụ thể hay nguồn ẩn danh).

Do đó, theo TS Lê Thị Linh Trang cần đề cao vai trò của luật pháp, giáo dục và truyền thông:

- Về luật pháp: Trước khi cộng đồng quốc tế có công ước quốc tế mỗi quốc gia cần có những điều luật nghiêm khắc để xử lý vấn nạn tin giả.

- Về giáo dục: Dạy cho học sinh những vấn đề về tin giả. Một số nước đã đưa môn Phân tích truyền thông vào chương trình dạy học. Ở Việt Nam, trước khi trở thành môn học chính thức, chúng ta cần góp sức làm nên những chuyên đề để giáo dục học sinh, sinh viên nâng cao năng lực phân hóa, tiếp cận với thông tin.

- Về truyền thông: Luật pháp đến với công chúng qua kênh truyền thông, qua lăng kính chủ quan của người làm truyền thông. Tuy nhiên, có nhiều phóng viên đang có định kiến với các điều luật. Nếu chúng ta thấy chưa phù hợp có thể góp ý để điều chỉnh. Truyền thông là để lan truyền luật pháp.

Nhà báo Lê Thanh Phong: "Nhiều nhà báo mất bình tĩnh, vì cơn lốc của thông tin và bị áp lực khiến họ lao theo số người tin vào tin giả".

Tin giả là gì? Theo tôi tin giả là tin sai sự thật. Trong nhiều năm làm báo tôi đã gặp nhiều phóng viên mang về một cái tin có cả thông tin giả và thật.

Theo Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Lê Quốc Minh: "Tỷ lệ người tin tưởng vào tin giả lên tới 70-80%”.
Nhiều nhà báo mất bình tĩnh, vì cơn lốc của thông tin và bị áp lực khiến họ lao theo số người tin vào tin giả. Vì vậy, tin giả càng ngày càng có nhiều đất sống.


Nhà báo Lê Thanh Phong.

Một số tờ báo đã đưa tin Nghệ sĩ Lê Minh Châu được tôn vinh tại Đại lộ danh vọng, hai ngày sau họ phải tháo tin xuống vì đây là thông tin vui của anh này đưa lên facebook. Họ đã lấy thông tin không hề thẩm định.

Một cụ bà 101 tuổi ở Ý sinh người con thứ 17 – vậy mà một số báo Việt Nam vẫn đưa, để một số bác sĩ Việt Nam phải lên tiếng phản bác. Nhiều người làm báo hồn nhiên tin rằng cứ lấy thông tin từ trang nước ngoài sẽ chính xác.

Tin giả liên quan đến chính khách, đây là một trong những thông tin “hot” thường được nhiều nhà báo dùng. Ví dụ như vụ “Căn biệt thự và đưa lên đó là của một bộ trưởng”; cô gái ngáo đá nằm bệnh viện được đại diện chính quyền vào thăm là con gái của một bộ trưởng… Những tin này đều là tin giả nhưng phần lớn người đọc lại thích những tin này.

Thậm chí, tin giả từ các tổ chức, cơ quan quản lý, ví dụ như thông tin cà phê pin từ một đoàn kiểm tra, từ bản tin này lan lên hầu hết các báo khác mà không hề kiểm tra từ các nguồn uy tín ảnh hưởng rất lớn đến những người kinh doanh cà phê. Hay như vụ nước mắm nhiễm Arsen, họ đã tổ chức một cuộc họp báo lớn để thông tin, khiến các báo đều tin và đưa theo. Vụ Con Cưng – các báo bám vào cơ quan quản lý để đưa tin.

Theo ông Phong, “Nhiều người sẵn sàng tin vào thông tin mà chính bản thân không có khả năng kiểm chứng”.



Báo chí đang trong cuộc chạy đua áp lực cạnh tranh tin nhanh: thống kê quý đầu năm 2018, Việt Nam xếp ở vị trí thứ 7 với 58 triệu người dùng. Báo chí muốn cạnh tranh bạn đọc thì phải nhanh, và phải đáp ứng xu hướng bạn đọc. Điều này hạn chế nghiệp vụ, không thẩm tra thông tin tốt, gây tiêu cực, vô tình phát tán tin giả trên kênh chính thống.

Trong khi đó, độc giả hiếu kỳ, thích tin giật gân, không cần thẩm định và phát tán tin giả.

Ông Phong đưa ra vai trò và trách nhiệm của báo chí: Sinh ra để làm người đưa tin, nên chúng ta cần phải đưa tin đúng sự thật, định hướng thông tin; đưa tin đúng sự thật; có trách nhiệm với cộng đồng, định hướng thông tin lành mạnh và trung thực; dập tắt tin giả; xây dựng niềm tin đối với bạn đọc.

Đôc giả cũng phải có trách nhiệm trong công cuộc chống tin giả bằng cách kiểm tra qua các nguồn khác; không like, share khi chưa xác định được nguồn tin.

Sau bài phát biểu của 3 vị khách mời, khách tham dự sẽ đặt câu hỏi giao lưu cùng các diễn giả.

Chị Trần Trang, Công ty truyền thông Edelman, đưa câu hỏi: "Đứng từ góc nhìn của nhà báo, doanh nghiệp sẽ chịu ảnh hưởng gì từ những tin giả ở mạng xã hội lẫn báo chính thống? Và phải làm sao để ngăn chặn tin giả".

Nhà báo Lê Thanh Phong:

Đây là nỗi ám ảnh của các doanh nghiệp, chỉ cần một hoang tin đưa ra thì một doanh nghiệp có thể sụp đổ. Nhiều người không tin vào thông tin cải chính.

Tùy theo từng trường hợp cụ thể để xử lý truyền thông. Bây giờ các doanh nghiệp đã tổ chức truyền thông, đối ngoại và nội bộ rất tốt, họ phải làm truyền thông để bảo vệ mình trước.

Chuẩn bị những điều tốt nhất cho mình: chính xác, liên tục, thường xuyên… những thông tin tích cực phải xuất hiện thường xuyên, để khi có tin xấu thì họ đã có bệ đỡ, tránh tác hại tối đa.

Doanh nghiệp cần phải tự tin chính mình và pháp luật: chúng ta phải chống lại những thông tin giả làm tổn hại đến mình. Chúng ta không được thỏa hiệp, tự mình dung dưỡng cho những người dùng tin giả. Phải đấu tranh để không có đất sống cho những người lợi dụng tin giả để hại mình. Chúng ta đóng thuế là để pháp luật bảo vệ chúng ta.


Ông Nguyễn Văn Hà, Khoa Báo chí truyền thông, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM.

Ông Nguyễn Văn Hà, Khoa Báo chí truyền thông, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM, tham gia chia sẻ cùng các khách mời.

Theo ông Hà, bản chất con người là hiếu kỳ, nên nhiều người thích những thông tin giả. Tin giật gân có ma lực, hấp dẫn khiến nhiều phóng viên, biên tập viên không đủ sức cản với tin giả.

Việc sản xuất tin giả gần như trở thành một ngành công nghiệp, hái ra tiền. Khi đã có đồng tiền dẫn giắt thì việc chống lại nó khá gian nan, vất vả. Trên thế giới và các quốc gia hình thành một mặt trận chống tin giả.

Về kỹ thuật công nghệ nhiều nơi họ có những phần mềm lọc tin giả. Đây là những công ty toàn cầu dựa vào những tiêu chí phổ biến, nên có thể nhiều nước khác ngoài phạm vi. Ba năm nay ở châu Âu đã đưa ra chương trình huấn luyện cho giới trẻ tại các trường học để có thể phân biệt, định dạng tin giả.

Ông Hà cho biết, nên kêu gọi nhà báo quay trở về báo chí truyền thống, những trào lưu báo chí mới, nếu không có biện pháp cụ thể thì sẽ trở thành những lời kêu gọi chung chung, sáo rỗng.

Tin giả như những con virus, nên cách hiệu quả nhất là tạo ra được vacxin phòng ngừa được vấn nạn này.

"Báo chí của mình nhiều khi phụ thuộc vào một số nguồn tin, nhưng nhiều khi nó không chính xác. Nên chúng ta luôn luôn phải kiểm chứng. Và việc đấu tranh với tin giả là cả một quá trình và chúng ta cần phải kiên trì đấu tranh", ông Hà cho biết thêm.



Nhà báo Thanh Thương hỏi: Pháp luật có đảm bảo bảo vệ được cho các doanh nghiệp khi họ bị ảnh hưởng bởi tin giả?

TS Đinh Thị Thanh Nga trả lời: Đây là vấn đề nhiều đơn vị gặp phải, nhưng thường các doanh nghiệp ngại đụng chạm. Chúng ta có quyền yêu cầu bồi thường hoặc cải chính công khai. Ví dụ, thời gian gần đây một số nhà báo đưa tin các sự cố của ngành y nhưng họ cảm thấy ngại ngùng khi đối mặt với các vụ kiện.

Pháp luật có đầy đủ công cụ, nhưng tâm lý của doanh nghiệp chưa tự tin đòi hỏi quyền lợi của mình. Nếu chúng ta dám làm thì luật sư và hệ thống pháp luật đủ sức bảo vệ chúng ta bởi đã có các quy định về bồi thường thiệt hại, cải chính, công khai xin lỗi nên chúng ta cần phải lên tiếng.

Một độc giả, hiện đang công tác tại một công ty truyền thông, hỏi: Ai là người đứng ra bảo vệ doanh nghiệp khi xảy ra các vấn đề liên quan đến tin giả?

TS Đinh Thị Thanh Nga trả lời: Việc cải chính thông tin không mang lại hiệu quả hoàn toàn như thông tin giả đưa ra. Tới bây giờ ngành cà phê Việt Nam vẫn bị ảnh hưởng từ thông tin giả từ cà phê chứa pin.

Những thông tin dù được công nhận là tin giả thì vẫn cần sức mạnh của truyền thông để được lan tỏa. Nếu doanh nghiệp cảm thấy bị tổn hại quá nhiều họ có thể đưa ra pháp luật để những người phát tin giả hiểu được những cái giá họ phải chịu khi đưa ra tin giả.

Thông tin tồn tại trong một cá nhân, group rồi lan tỏa ra sức ép với doanh nghiệp: nhiều thông tin quá phức tạp gây  phản ứng trong dư luận. Tuy nhiên chính doanh nghiệp phải là người đưa ra trình báo.


Ban tổ chức và khách mời chụp hình lưu niệm.
Theo Nhóm PV
Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com