Toggle navigation
Tham vọng 100.000 doanh nghiệp công nghệ vào năm 2030
07/05/2019 | 03:31 GMT+7
Chia sẻ :
Hiện Việt Nam đang có 50.000 doanh nghiệp công nghệ nhưng đang đặt mục tiêu vươn đến con số 100.000 vào năm 2030, theo bà Tô Thị Thu Hương, Phó vụ trưởng Vụ Công nghệ Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Nhân viên công ty công nghệ DKT đang giới thiệu giải pháp đến khách hàng. Ảnh: Vân Ly

Bà Hương đưa ra thông tin nói trên tại buổi họp báo giới thiệu Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam được tổ chức chiều 6-5. Sự kiện này sẽ được Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức vào ngày 9-5 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội và có sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Diễn đàn sẽ có các phiên thảo luận, chia sẻ kinh nghiệp, ghi nhận những đóng góp để Việt Nam có thể phát triển thêm nhiều doanh nghiệp công nghệ.

Vào top 30 quốc gia có nền công nghệ phát triển

Theo bà Hương, con số 100.000 doanh nghiệp công nghệ Việt Nam vào năm 2030 sẽ góp phần đưa Việt Nam vào tốp 30 các nước có nền công nghệ phát triển trên thế giới. Hiện trong 50.000 doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam có khoảng 30.000 doanh nghiệp phần cứng, phần mềm đạt doanh thu gần 100 tỉ đô la Mỹ, đóng góp 50.000 tỉ đồng vào vào ngân sách nhà nước trong năm 2018.

Việt Nam có tiềm năng để phát triển mục tiêu nói trên nếu có sự chung tay vào cuộc của cả Chính phủ và các doanh nghiệp. Xây dựng cộng đồng 100.000 doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sẽ là một trong các giải pháp đột phá để kinh tế Việt Nam bứt phá, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045.

Trong khi đó, ông Phan Tâm, thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp công nghệ Việt. Thế mạnh của các công ty nội địa là sự am hiểu thị trường trong nước so với doanh nghiệp nước ngoài khi vào Việt Nam. Điều này đã được chứng minh với nhiều dẫn chứng trong thực tế, trong số đó là Công ty phần mềm Misa đã thành công với phần mềm kế toán am hiểu chính sách đặc thù của Việt Nam mà phần mềm ngoại không có lợi thế này.

Ông Tâm cho biết Bộ Thông tin và Truyền thông hy vọng Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sẽ khơi dậy khát vọng lan toả tinh thần khởi nghiệp, để Việt Nam sớm đạt mục tiêu 100.000 doanh nghiệp công nghệ.

Kỳ vọng sự bứt phá từ chính sách

Ở góc nhìn doanh nghiệp, ông Phạm Hải Văn, Giám đốc khu vực miền Bắc thuộc Công ty cung cấp giải pháp bán hàng đa kênh Haravan, cho rằng việc ứng dụng các giải pháp công nghệ của thế giới vào Việt Nam không đơn giản vì mô hình kinh doanh khác nhau. Hơn nữa, các giải pháp công nghệ của nước ngoài có khi chỉ phù hợp với các doanh nghiệp lớn cho chi phí cao. Chính vì vậy, doanh nghiệp công nghệ Việt có thể phát triển giải pháp với chi phí vừa phải phục vụ cho phân khúc doanh nghiệp nhỏ trong nước.

“Doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể giải quyết các bài toán của Việt Nam và có thể làm chủ cuộc chơi công nghệ tại sân nhà,” ông Văn nói.

Cũng tại buổi họp báo, ông Nguyễn Thế Tân, Tổng giám đốc tập đoàn VCCorp, một doanh nghiệp nội dung số có doanh thu chỉ sau Google và Facebook tại Việt Nam, cho biết ông đồng tình với chiến lược mới trong việc phát triển các doanh nghiệp công nghệ. Việc Thủ tướng và Chính phủ cùng tham gia, khích lệ tinh thần của các doanh nghiệp công nghệ làm cho các doanh nghiệp có niềm mong muốn và dám dấn thân. Ông Tân hy vọng chính sách công nghệ thời gian tới sẽ được tháo gỡ chứ không trói các doanh nghiệp trong nước như trước.

“Khi người dùng đăng thông tin vi phạm trên Facebook thì chỉ người đăng bị xử phạt. Trong khi đó cũng thông tin tương tự mà đăng trên mạng xã hội của Việt Nam thì doanh nghiệp đầu tư mạng xã hội đó lại bị xử phạt, chịu trách nhiệm,” ông Tân ví dụ về chính sách hiện không công bằng giữa doanh nghiệp nội ngoại trong khi lĩnh vực Internet, nội dung số không có biên giới.

Ở góc nhìn cá nhân, ông Tân của VCCorp tự tin rằng hiện tại, các doanh nghiệp Việt chỉ kém nước ngoài một đoạn chứ không quá xa. Nếu chính sách thực sự "cởi trói" thì doanh nghiệp công nghệ Việt sẽ có cơ hội phát triển không kém nước ngoài.

Là công ty công nghệ Việt Nam đầu tiên khởi nghiệp và thành công tại thung lũng Silicon Valley của Mỹ, ông Hùng Trần, Giám đốc điều hành của Got It cho rằng để các doanh nghiệp công nghệ thành công thì yếu tố nhân sự giỏi luôn mang tính quyết định. Cách đây vài năm, Facebook mua lại Instagram với giá 1 tỉ đô la Mỹ với với đội ngũ nhân sự chủ chốt chỉ có 14 nhân viên.

“Tại Việt Nam, trình độ nhân sự kỹ sư CNTT vẫn còn có khoảng cách lớn so với nước ngoài. Việt Nam nhiều nhân sự tham gia lĩnh vực công nghệ nhưng chủ yếu là gia công phần mềm. Nhân lực còn hạn chế ở nhiều yếu tố như năng lực công nghệ sáng tạo, các kỹ năng mềm…

Ông Hùng cho rằng, Việt Nam cần chú trọng đào tạo nhân sự chất lượng cao, cần có cơ chế thử nghiệm những chính sách mới cho các mô hình kinh doanh mới. “Để thành công các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ cần chấp nhận làm những việc khó, chấp nhận rủi ro. Ngay tại Mỹ, hàng năm số lượng các công ty khởi nghiệp mọc lên rất nhiều và số lượng chết cũng rất lớn".

Theo Vân Ly
Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com