Toggle navigation
Ứng xử trên Facebook thế nào khi Luật An ninh mạng bắt đầu có hiệu lực
03/01/2019 | 03:05 GMT+7
Chia sẻ :
Để tránh những vi phạm được quy định trong Luật An ninh mạng, người dùng Facebook cần tìm hiểu kỹ thông tin trước khi đăng tải hoặc chia sẻ trên trang cá nhân.

Luật An ninh mạng có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. (Ảnh minh họa).

Những điều người dùng Facebook không nên làm

Từ ngày 1/1/2019, Luật An ninh mạng chính thức có hiệu lực thi hành. Trong đó, có quy định nhiều hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến người sử dụng mạng xã hội, nhất là với người sử dụng Facebook.

Luật An ninh mạng với 7 chương, 43 điều, quy định về hoạt động bảo vệ an ninh Quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Để cung cấp những hiểu biết pháp lý cho người dùng Facebook nói riêng và người sử dụng mạng xã hội nói chung luật sư Thu Hằng - Công ty TAT Law Firm (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: Nếu không muốn vi phạm Luật An ninh mạng thì người dùng Internet phải đặc biệt chú ý và tuyệt đối không được vi phạm một trong những điều luật được đề ra.

Cụ thể gồm: Không đăng tải các nội dung chống phá nhà nước bao gồm những hành vi xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc.

Không lôi kéo, dụ dỗ đào tạo những người tham gia biểu tình bạo loạn. Ví dụ như:  Không tổ chức các đội nhóm hoạt động, cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước, tham gia những cuộc biểu tình bạo động làm mất đoàn kết dân tộc.

Không vu khống, làm nhục người khác, điển hình là những thông tin sai sự thật, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác. Thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác…

Không đăng tải những thông tin sai sự thật với nội dung xâm phạm trật tự quản lý kinh tế: Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế – xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.

Không đăng tải những thông tin dâm ô, tệ nạn xã hội, phá hội thuần phong mỹ tục của dân tộc và đạo đức nhân loại.

Không được phá hoại hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Nhiều tổ chức, cá nhân luôn sử dụng internet để làm công cụ chống phá an ninh quốc gia thông qua các thao tác chiến tranh mạng, tấn công mạng, gián điệp mạng gây sự cố an ninh, xâm nhập và chiếm quyền điều kiển làm sai lệch hệ thống mạng quốc gia.

Không cung cấp thông tin sai sự thật làm hoang mang trong lòng dân thiệt hại cho các hoạt động kinh tế. Gây khó khăn cho những người thi hành công vụ.

Không được chống lại hoặc cản trở hoạt động bảo vệ an ninh mạng để làm mất tác dụng của các biện pháp bảo vệ an ninh đất nước.

Không được xâm nhập vào mạng máy tính của các doanh nghiệp, cá nhân để “ăn cắp” thông tin, xâm phạm chủ quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân để trục lợi.

Không được sản xuất các phần mềm gây hại trong hoạt động của máy tính viễn thông. Như vậy, để không gặp rắc rối hoặc thậm chí tránh khỏi sự truy cố trách nhiệm hình sự, người sử dụng mạng cần phải lưu ý đến những nguyên tắc được nêu trên...

Doanh nghiệp ứng xử thế nào?

Luật sư Thu Hằng cho biết: Tại Điều 26 Luật này quy định, doanh nghiệp trong và ngoài nước khi cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có trách nhiệm như sau:

Xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số; bảo mật thông tin, tài khoản của người dùng; cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạnh.

Ngăn chặn việc chia sẻ thông tin, xóa bỏ thông tin có nội dung vi phạm trên dịch vụ hoặc hệ thống thông tin do cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý chậm nhất là 24h kể từ thời điểm có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông và lưu nhật ký hệ thống để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng trong thời gian theo quy định của Chính phủ.

Không cung cấp hoặc ngừng cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng cho tổ chức, cá nhân đăng tải trên không gian mạng thông tin có nội dung vi phạm khi có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Đồng thời doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra phải lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam trong thời gian theo quy định của Chính phủ. Doanh nghiệp nước ngoài quy định tại khoản này phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng

Đánh giá đây là một quy định rất nhân văn của Luật An ninh mạng 2018, luật sư Hằng cho biết: "Điều 29 của luật quy định: Trẻ em có quyền được bảo vệ, tiếp cận thông tin, tham gia hoạt động xã hội, vui chơi, giải trí, giữ bí mật cá nhân, đời sống riêng tư và các quyền khác khi tham gia trên không gian mạng.

Các doanh nghiệp thì phải đảm bảo kiểm soát nội dung để không gây nguy hại cho trẻ em; đồng thời, xóa bỏ thông tin có nội dung gây nguy hại cho trẻ em...

Bên cạnh đó, luật khuyến khích cá nhân, tổ chức tham gia phổ biến kiến thức an ninh mạng Nhà nước có chính sách phổ biến kiến thức về an ninh mạng trong phạm vi cả nước, khuyến khích cơ quan nhà nước phối hợp với tổ chức tư nhân, cá nhân thực hiện chương trình giáo dục và nâng cao nhận thức về an ninh mạng.

Bộ ngành, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm xây dựng và triển khai hoạt động phổ biến kiến thức về an ninh mạng cho cán bộ công chức trong bộ ngành, cơ quan, tổ chức. UBND cấp tỉnh có trách nhiệm phổ biến kiến thức cho cơ quan, tổ chức, cá nhân của địa phương...

Theo Nguyễn Nam
Sức Khỏe Cộng Đồng
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com