Toggle navigation
Vì câu view, YouTube bỏ mặc các video độc hại
06/04/2019 | 03:15 GMT+7
Chia sẻ :
Các lãnh đạo của nền tảng chia sẻ video YouTube bị cáo buộc bác bỏ các khuyến nghị nhằm hạn chế video có nội dung độc hại, cho phép các video này phổ biến tràn lan nhằm kiếm lợi nhuận từ quảng cáo.
Nhà khoa học máy tính người Anh Francis Irving cho rằng hệ thống gợi ý xem video tiếp theo dựa vào thuật toán trí tuệ nhân tạo của YouTube là một cỗ máy gây nghiện. Ảnh: Bloomberg

Bác bỏ đề xuất điều tiết nội dung độc hại

Hãng tin Bloomberg hôm 2-4 đăng bài cho biết một nhóm hơn 20 cựu nhân viên và nhân viên đang làm việc cho YouTube và Google (công ty mẹ của YouTube) cáo buộc trong nhiều năm qua, các lãnh đạo YouTube cố tình phớt lờ các ý tưởng và phương pháp mà họ đề xuất nhằm hạn chế tối đa các nội dung độc hại, kích động trên nền tảng YouTube.

Họ nói rằng các lãnh đạo không ngăn chặn các video đó vì muốn tăng lợi nhuận nhờ số lượt người truy cập (view) khổng lồ từ các video đó.

Một trong các đề xuất của nhóm nhân viên này là cho phép đăng các video gần với ranh giới vi phạm các tiêu chuẩn cộng đồng của YouTube nhưng phải loại bỏ chúng khỏi hệ thống gợi ý xem video tiếp theo.

Yonatan Zunger, một kỹ sư thiết kế phần mềm và công cụ liên quan đến chính sách quyền riêng tư ở Google, là người đứng đầu nỗ lực đề xuất này. Ông nói: “Những kẻ xấu rất giỏi nắm bắt các ranh giới này nằm ở đâu và tiến sát gần ranh giới này hết mức có thể”.

Tuy nhiên, đề xuất của ông bị Giám đốc chính sách YouTube bác bỏ vào năm 2016. Nhóm nhân viên trên cũng cho biết, nhiều đề xuất khác với mục đích theo dõi mức độ phổ biến của các video về thuyết âm mưu và chủ nghĩa cực đoan cũng chịu chung số phận tương tự.

Bài viết của Bloomberg cũng nêu ra các cáo buộc của các nhân viên YouTube cho rằng Giám đốc điều hành YouTube, Susan Wojcicki, né tránh trách nhiệm về vấn đề xung quanh các nội dung hận thù, kích động, sai trái.

Một nhân viên YouTube giấu tên nói rằng bà Susan Wojcicki luôn luôn cố gắng né "động tay" vào vấn đề này.
Người này cho biết: “Quan điểm của bà ta là: Công việc của tôi là điều hành công ty, chứ không phải giải quyết chuyện này”.

Càng gây sốc, càng thu hút lượt xem

Năm 2012, YouTube kết luận càng có nhiều người xem video trên nền tảng thì càng có nhiều quảng cáo chạy kèm theo, do vậy YouTube cho rằng thuật toán gợi ý xem video tiếp sẽ là cách tốt nhất để níu chân người dùng lâu hơn trên nền tảng.

Ông Salar Kamangar, Giám đốc điều hành YouTube vào thời điểm đó, đặt mục tiêu đạt 1 tỉ giờ xem các video trên YouTube mỗi ngày. Ông chỉ đạo viết lại thuật toán gợi ý xem video tiếp theo để đạt được mục tiêu đó. Khi bà Wojcicki lên nắm quyền Giám đốc điều hành thay cho ông Kamangar, YouTube đã đạt được 1/3 mục tiêu 1 tỉ giờ xem mỗi ngày. Đến năm 2016, YouTube đạt được mục tiêu này.

YouTube không tiết lộ công thức chính xác để giúp các video lan tỏa nhưng trong cuộc đua đạt 1 tỉ giờ xem mỗi ngày, những kẻ có quan điểm chính trị cực đoan càng dễ dàng lan truyền các video độc hại, kích động hoặc gây tranh cãi. Điều này xuất phát bởi tâm lý của một số người dùng YouTube: càng gây sốc càng được chú ý.

Brittan Heller, một nhà nghiên cứu ở Trung tâm Carr về chính sách nhân quyền Đại học Harvard, nói: “Họ không biết thuật toán của YouTube vận hành như thế nào nhưng họ biết nội dung càng gây bức xúc thì càng có nhiều lượt xem”.

Những người làm việc ở YouTube biết rõ công thức này. Trong nhiều năm qua, có nhiều cuộc thảo luận nội bộ ở YouTube về cách xử lý các video gây tranh cãi nhưng không vi phạm các chính sách nội dung của YouTube. Một số kỹ sư phần mềm gọi hiện tượng video gây tranh cãi nhưng thu hút nhiều người xem là “sự lan truyền tiêu cực”.

Nhà khoa học máy tính người Anh, Francis Irving, cho rằng hệ thống gợi ý xem video tiếp theo dựa vào thuật toán trí tuệ nhân tạo của YouTube là một cỗ máy gây nghiện.

Nỗ lực chấn chỉnh của YouTube

Tháng 11-2017, YouTube quyết định chấn chỉnh các video có nội dung độc hại, cắt quảng cáo khỏi hàng ngàn kênh đăng những video như vậy. YouTube phải hành động do đối mặt với làn sóng tẩy chay của các nhà quảng cáo sau khi báo chí chỉ trích nền tảng cho phép đăng các video lạm dụng trẻ em.

Điển hình nhất là kênh Toy Freaks trên YouTube của một ông bố đơn thân thường xuyên đăng các video phản cảm về hai đứa con gái của ông bao gồm các video cho thấy chúng đang nôn mửa hay đang chịu cơn đau tột cùng. Trước khi bị YouTube gỡ bỏ, kênh Toy Freaks thu hút đến 8,5 triệu người đăng ký theo dõi.

Đầu năm nay, Youtube cam kết điều tiết các video về thuyết âm mưu sau khi có nhiều khiếu nại về việc các nội dung này xuất hiện trong phần gợi ý xem video tiếp theo. Nền tảng này thừa nhận rằng các video như vậy “có thể cung cấp sai thông tin cho người dùng theo những cách độc hại”, chẳng hạn như các video có nội dung nói rằng trái đất không phải hình tròn, rêu rao các phương thuốc kỳ diệu giả mạo để chữa một căn bệnh nghiêm trọng hay đặt ra những thuyết âm mưu về kẻ đứng sau vụ khủng bố 11-9...

YouTube tuyên bố sẽ hạn chế gợi ý xem các video chớm có biểu hiệu vi phạm nhưng chưa hẳn đã vi phạm các tiêu chuẩn cộng đồng do nền tảng này đặt ra, tức các video có nội dung nằm giữa ranh giới bị cấm và không bị cấm.
Động thái này diễn ra ba năm sau khi kỹ sư Yonatan Zunger, người đã nghỉ việc ở Google, đưa ra đề xuất tương tự.

Bloomberg cho biết có 5 nhân sự cấp cao đã nghỉ việc ở YouTube và Google trong hai năm qua với lý do YouTube bất lực trong việc ngăn chặn các video độc hại và cực đoan.

Phản ứng trước bài viết của Bloomberg, người phát ngôn của YouTube ra tuyên bố cho biết: “Trong hai năm qua, trọng tâm của chúng tôi là giải quyết một số thách thức gai góc nhất về nội dung trên nền tảng YouTube, xem xét các phản hồi và lo ngại của người dùng, nhà sáng tạo nội dung, các nhà quảng cáo, các chuyên gia và nhân viên. Chúng tôi đã áp dụng nhiều biện pháp quan trọng, bao gồm cập nhật hệ thống gợi ý xem video của chúng tôi để ngăn ngừa các thông tin sai trái, độc hại lan truyền, cải thiện trải nghiệm xem tin tức trên YouTube, nâng lực lượng phụ trách các vấn đề nội dung khắp Google (công ty mẹ YouTube) lên 10.000 người, đầu tư vào học máy để nhanh chóng tìm và loại bỏ nội dung vi phạm, thẩm định và cập nhật các chính sách của chúng tôi. Chỉ tính riêng trong năm 2018, chúng tôi đã có hơn 30 cập nhật chính sách”.

Song các nỗ lực chấn chỉnh của Youtube chỉ là chắp vá và manh mún, khó giải quyết triệt để vấn đề khi mà lợi nhuận của nền tảng gắn liền với lượng lượt người xem của các video.

Cuối tháng trước, YouTube bị chỉ trích dữ dội vì bị cáo buộc kiếm tiền từ các bình luận cổ xúy bạo lực, bài Do Thái. Các cáo buộc này xuất phát từ tính năng Super Chat của YouTube, cho phép người dùng trả tiền tối thiểu 5 đô la để các bình luận của họ được xuất hiện nổi bật ở phần chat với nhà sáng tạo nội dung đang phát sóng trực tiếp video trên YouTube.

Nhà sáng tạo nội dung được hưởng 70% số tiền này, 30% còn lại được chia cho YouTube. Điều đáng nói là rất nhiều bình luận sử dụng tính năng Super Chat có nội dung không lành mạnh, chẳng hạn một số bình luận nói rằng thủ phạm trong vụ xả súng sát hại 50 người Hồi giáo mới đây ở New Zealand là đặc vụ làm việc cho cơ quan tình báo Mossad của Israel hoặc cho rằng tiến trình Anh rời Liên minh châu Âu (EU) cần một giải pháp theo hướng bạo lực.

Có thể xem Khá Bảnh (tên thật Ngô Bá Khá), chủ nhân của một kênh YouTube có gần hai triệu người theo dõi, là một trong những trường hợp điển hình giúp YouTube kiếm tiền từ các video độc hại.

Điều đáng nói, 410 video trên kênh của Khá chủ yếu là nội dung phản cảm, gây sốc bao gồm những câu chuyện anh em giang hồ, đòi nợ thuê... và mới đây là video đập phá và đốt xe máy.

Ngày 3-4, YouTube chính thức xóa kênh của Khá với lý do vi phạm Điều khoản dịch vụ của YouTube. Động thái này diễn ra một ngày sau khi Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) chính thức gửi yêu cầu tới YouTube đề nghị khóa, hạ tài khoản Khá trên kênh YouTube.

Theo Chánh Tài
Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com