Toggle navigation
Doanh nghiệp Việt nguy cơ bị loại từ vòng sơ tuyển cao tốc Bắc - Nam
25/07/2019 | 02:11 GMT+7
Chia sẻ :
Trước sự áp đảo của nhà đầu tư Trung Quốc dự sơ tuyển cao tốc Bắc - Nam, nhiều doanh nghiệp Việt buộc phải tham gia liên danh với hy vọng nhận được các gói thầu xây lắp tại dự án.
Tính đến giữa tháng 7, những doanh nghiệp quốc nội nổi tiếng trong ngành xây dựng như Đèo Cả, Phương Thành, Vinaconex, Tasco... đều đã hiện diện tại vòng sơ tuyển cao tốc Bắc - Nam (với tư cách liên danh hoặc độc lập).

Trước mắt các doanh nghiệp này đang là một cơ chế đấu thầu quốc tế với mức độ cạnh tranh khốc liệt.

Không thể vay vốn

"Chỉ mong trúng một vài gói thầu xây lắp" - đó là tâm sự của một doanh nghiệp Việt Nam đang liên danh với nhà đầu tư Trung Quốc để sơ tuyển cao tốc Bắc - Nam. Doanh nghiệp này trước đó từng thi công tuyến cao tốc với quy mô trên 5.000 tỷ đồng.

Doanh nghiệp Việt nguy cơ bị loại từ vòng sơ tuyển cao tốc Bắc - Nam

Tiêu chí đấu thầu cao tốc Bắc - Nam đang đặt ra nhiều rào cản cho doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: Ngọc Tân.
Lãnh đạo doanh nghiệp cho biết họ có thừa kinh nghiệm và khả năng thi công, nhưng rất khó khăn về vốn. Ngân hàng đang có những chính sách siết chặt vốn tín dụng đối với các dự án BOT, không còn đủ năng lực để cho vay nữa.

Với điều kiện đấu thầu như hiện nay, các nhà đầu tư trong nước sẽ bị loại ngay từ vòng sơ tuyển.
Đại diện Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả

"Nhà thầu trong nước như chúng tôi sẽ gia nhập liên danh, sau này nếu trúng thầu thì chỉ mong tham gia với tư cách nhà thầu thi công, xây lắp. Chúng tôi không đủ tiềm năng và cũng không thể vay được vốn để trở thành nhà đầu tư", vị này tâm sự.

Một "ông lớn" trong giới đầu tư là Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả đang dự sơ tuyển ở 3 dự án gồm đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu, đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt và đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Ở cả ba dự án, Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả đều đứng đầu liên danh.

Trao đổi với Zing.vn, đại diện Tập đoàn Đèo Cả cho biết việc tổ chức đấu thầu quốc tế khiến nhiều nhà đầu tư lớn của Trung Quốc, Hàn Quốc nộp hồ sơ tạo ra sự cạnh tranh rất khốc liệt. Với các điều kiện đấu thầu như hiện nay, các nhà đầu tư trong nước sẽ bị loại ngay từ vòng sơ tuyển và mất nguồn việc làm.

Cụ thể, điều kiện về tỷ lệ vốn chủ sở hữu đã được Nhà nước tăng lên gần gấp đôi (từ 11,5% lên 20%). Trường hợp nhà đầu tư đã làm nhà thầu thì phải có kinh nghiệm trực tiếp thi công 2 dự án, trong đó, tổng giá trị thực hiện của mỗi dự án tối thiểu bằng 20% tổng vốn đầu tư dự án đang xét (tương đương 1.100 tỷ đến 3.000 tỷ đồng).

Thực tế, rất hiếm có nhà thầu Việt Nam nào có thể trúng thầu nhiều gói thầu trong cùng một dự án có giá trị lớn đến như vậy. Nếu các doanh nghiệp trong nước liên danh thì cũng không thể đáp ứng được yêu cầu do không được tính cộng năng lực kinh nghiệm.

Từng có doanh nghiệp Trung Quốc muốn "nuốt trọn" dự án

Trái với tình trạng khát vốn của doanh nghiệp Việt Nam, nhiều nhà đầu tư nước ngoài lại gặp ít khó khăn hơn do có sẵn tiền hoặc có nguồn vay với lãi suất thấp.

Doanh nghiệp Việt nguy cơ bị loại từ vòng sơ tuyển cao tốc Bắc - Nam - 1
Lãnh đạo Bộ GTVT làm việc với Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương. Ảnh: Mt.gov.

Để đưa dự án cao tốc Bắc - Nam đi đúng lộ trình đấu thầu quốc tế công khai như hiện nay, Bộ GTVT từng từ chối lời đề nghị được đầu tư "trọn gói" dự án của doanh nghiệp Trung Quốc.

Cụ thể, vào tháng 3, Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (China Pacific Construction Group) đã đến làm việc trực tiếp với lãnh đạo Bộ GTVT để ngỏ ý đầu tư cao tốc Bắc - Nam.

16 doanh nghiệp Trung Quốc tham dự sơ tuyển, rải hồ sơ cả 8/8 dự án ở cao tốc Bắc - Nam.

Tập đoàn Thái Bình Dương muốn đầu tư trọn gói và được chỉ định thầu. Tuy nhiên, Bộ GTVT đã từ chối và giữ nguyên kế hoạch mời đấu thầu công khai ở quy mô quốc tế.

Giữa tháng 7, quá trình mời sơ tuyển quốc tế xong xuôi. Có tới 16 doanh nghiệp Trung Quốc tham dự sơ tuyển, nhiều nhất trong số các nước có doanh nghiệp đến Việt Nam đầu tư. Họ rải hồ sơ ở cả 8/8 dự án.

Phía Việt Nam có 26 doanh nghiệp tham dự, nhưng mức độ "phủ sóng" chỉ chiếm 7/8 dự án. Rất nhiều doanh nghiệp phải liên danh với nhau hoặc với nhà đầu tư Trung Quốc.

Doanh nghiệp Việt nguy cơ bị loại từ vòng sơ tuyển cao tốc Bắc - Nam - 2
Cơ cấu doanh nghiệp các nước tham dự sơ tuyển cao tốc Bắc - Nam. Đồ họa: Phượng Nguyễn.

Đến nay, Bộ GTVT đã nắm được đầy đủ lượng hồ sơ nộp sơ tuyển (60 hồ sơ). Bước tiếp theo, Bộ sẽ chấm sơ tuyển và chọn ra tối đa 5 nhà đầu tư (có số điểm cao nhất) cho mỗi dự án.

Dự kiến tháng 10/2019, Bộ sẽ thông báo mời thầu; tháng 3/2020 công khai kết quả đấu thầu và ký kết hợp đồng dự án đầu tiên vào tháng 4/2020.

Miếng bánh ngon nhưng lắm kẻ dè chừng

Quy trình đấu thầu các dự án cao tốc Bắc - Nam sẽ gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 là sơ tuyển năng lực kỹ thuật và năng lực tài chính của các nhà đầu tư. Nhà đầu tư đủ năng lực sẽ được bước tiếp vào giai đoạn 2 - đấu thầu (đưa ra mức giá và phương thức thi công làm tiêu chí tranh thầu).

Doanh nghiệp Việt nguy cơ bị loại từ vòng sơ tuyển cao tốc Bắc - Nam - 3
TS Nguyễn Thanh Bình (Phó trưởng khoa Tài chính đầu tư, Học viện Chính sách và Phát triển). Ảnh: Ngọc Tân.

Vòng đấu thầu mới là lúc lộ diện những nhà đầu tư nghiêm túc, thể hiện rõ ý chí tranh thầu. Bởi ở bước này, doanh nghiệp muốn đi tiếp phải nộp bảo lãnh đặt cọc. Nếu nhà đầu tư thắng thầu mà "bỏ cuộc chơi" thì mất khoản đặt cọc này.

TS Nguyễn Thanh Bình (Phó trưởng khoa Tài chính đầu tư, Học viện Chính sách và Phát triển) đánh giá Bộ GTVT đang triển khai đầu tư cao tốc Bắc - Nam một cách bài bản và quyết tâm. Nếu tìm kiếm được nhà đầu tư thì đây sẽ là thành công có ý nghĩa lịch sử đối với đất nước.

Số lượng nhà đầu tư sơ tuyển một dự án không đồng nghĩa với việc dự án đó chắc chắn sẽ chọn được nhà thầu.

Câu chuyện "lời ăn, lỗ chịu" vốn lạ lẫm trong các hợp đồng dự án trước đây, nay được Bộ GTVT khẳng định rõ tại dự án cao tốc Bắc - Nam. Doanh nghiệp sẽ không được bảo lãnh doanh thu và bảo lãnh tỷ giá. Việc chuẩn bị đủ nguồn vốn và dự đoán chính xác nguồn thu từ lưu lượng phương tiện trở thành 2 nhiệm vụ sống còn của nhà đầu tư.

"Khái toán và dự báo lưu lượng phương tiện của Bộ GTVT chỉ mang tính tham khảo, do đó nhà đầu tư trước khi ra quyết định bỏ thầu chắc chắn sẽ tự đi khảo sát lưu lượng phương tiện, tự dự báo con số tăng trưởng hàng năm và họ sẵn sàng rút lui nếu xét thấy đầu tư nhiều rủi ro", ông Bình nhận định.

Đồng quan điểm với ông Bình, một chuyên gia đầu tư từng là lãnh đạo doanh nghiệp nói với Zing.vn rằng chưa thể nắm được mức độ "quyết tâm" của các nhà đầu tư ở bước sơ tuyển. Bộ GTVT vẫn chưa đưa ra bài toán chi tiết cho các nhà đầu tư đánh giá mức độ phù hợp của mình với từng dự án.

"Con số khái toán ban đầu sẽ còn dao động rất nhiều trong các bước dự toán, quyết toán. Nhiều doanh nghiệp nộp sơ tuyển bởi họ quan tâm đến dự án, nhưng mặt khác cũng bởi họ chưa mất gì ở khâu này. Số lượng nhà đầu tư sơ tuyển một dự án không đồng nghĩa với việc dự án đó chắc chắn sẽ chọn được nhà thầu", vị này phân tích.

Việt Nam sắp hoàn thành 1.500 km đường cao tốc. Bộ GTVT đặt mục tiêu đến 2020 sẽ nâng con số này lên 2.000 km và trong tương lai cần đến 8000 km đường cao tốc để đảm bảo giao thông.

Năm 2017, Quốc hội đã có Nghị quyết số 52 thông qua chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. Dự án được chia thành 11 dự án thành phần với tổng chiều dài 654 km, đi qua 13 tỉnh, thành phố. Trong đó 3 dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (BOT) sẽ được đấu thầu quốc tế để lựa chọn nhà đầu tư.

Tổng mức đầu tư của các dự án khoảng 118.000 tỷ đồng, trong đó nhà nước góp 55.000 tỷ đồng để đầu tư 3 dự án công, hỗ trợ toàn bộ công tác GPMB và góp một phần vốn vào các dự án PPP.

Theo Ngọc Tân 
Helino
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com