Toggle navigation
Khơi thông nguồn lực tư nhân cho phát triển hạ tầng
06/08/2019 | 02:16 GMT+7
Chia sẻ :
Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng là một động lực vô cùng quan trọng cho phát triển kinh tế, đặc biệt tại các quốc gia kém hay đang phát triển. Báo cáo gần đây của nhóm G-20 cho biết, nguồn vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng toàn cầu hàng năm thâm hụt khoảng 1.500 tỉ đô la Mỹ và phần lớn những thâm hụt đó được kỳ vọng bù đắp bởi các nguồn vốn tư nhân trong và ngoài nước.
Sau cuộc đấu thầu làm tuyến cao tốc Bắc - Nam trong năm nay, Việt Nam vẫn phải còn triển khai rất nhiều dự án cơ sở hạ tầng to lớn khác. Ảnh: LÊ ANH

Công luận trong nước đang rất quan tâm đến tiến trình triển khai dự án đường cao tốc Bắc - Nam. Có thể dễ dàng nhận thấy tâm điểm dư luận tập trung khá nhiều vào những rủi ro, thậm chí hiểm nguy của các nhà thầu ngoại quốc một khi họ tham gia vào dự án, những nghi vấn về tình trạng yếu kém liên quan đến kỹ thuật và khả năng tài chính, cùng với các rào cản thể chế cho khả năng thâm nhập của các nhà thầu tư nhân trong nước vào những kiểu đại dự án như tuyến đường cao tốc Bắc - Nam này.

Ở đây người viết không bàn về vấn đề kỹ thuật của các nhà thầu, cho dù thực tế gần đây cho thấy các nhà thầu trong nước đã chứng tỏ bản lĩnh, tay nghề kỹ thuật thông qua những dự án cơ sở hạ tầng mang tầm chiến lược như dự án hầm Đèo Cả, dự án cao tốc Hạ Long - Vân Đồn... Người viết cũng không ủng hộ ý kiến đề xuất hạ các tiêu chí kỹ thuật, tài chính hầu cho các nhà đầu tư trong nước khả dĩ dễ dàng hơn trong việc tham gia đấu thầu dự án đối tác công tư (PPP) đường cao tốc Bắc - Nam.

Sau cuộc đấu thầu làm tuyến cao tốc Bắc - Nam trong năm nay, Việt Nam vẫn phải còn triển khai rất nhiều dự án cơ sở hạ tầng to lớn khác. Do vậy, cải cách mạnh mẽ về thể chế nhằm khơi thông hơn nữa nguồn lực tài chính trong nước là vấn đề cần được quan tâm, chẳng những trong giai đoạn hiện nay mà cho cả sau này nữa.

Vẫn phải tính đến nguồn tài trợ từ tín dụng ngân hàng

Các khoản cho vay thương mại từ hệ thống ngân hàng có kỳ hạn trung bình là 4,2 năm tại các nước phát triển và 2,8 năm tại các nước đang phát triển. Nếu xét về bản chất ngắn hạn của các nguồn vốn huy động, hệ thống ngân hàng thương mại về lý thuyết không phải là nơi cung ứng các khoản tài trợ dài hạn, chẳng hạn cho các dự án cơ sở hạ tầng.

Tuy vậy, như là một khung giám sát phổ biến, do đặc thù của ngành ngân hàng, các ngân hàng thường vẫn được các cơ quan giám sát chấp thuận cho sử dụng một phần những nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn. Về nguyên tắc, tỷ lệ này sẽ cao trong những giai đoạn mà nền kinh tế tăng trưởng tốt, và thấp hơn trong những thời kỳ mà nền kinh tế đình trệ. Vấn đề là nguồn vốn khả dụng đó có tìm được bến đỗ hay không - những bến đỗ vừa an toàn vừa bảo đảm khả năng sinh lợi.

Bên cạnh những vụ lùm xùm về việc triển khai đầu tư và vận hành các dự án BOT đường bộ trong thời gian qua, thực tế cho thấy vẫn có khá nhiều dự án hiệu quả cao, thậm chí đã có những trạm ngừng thu phí sớm hơn dự định. Và đặc biệt là trong những giai đoạn mà nền kinh tế tăng trưởng khả quan, nhu cầu thực về xây dựng cơ sở hạ tầng chính là nhân tố quan trọng làm giảm thiểu rủi ro cho những dự án mở rộng hoặc đầu tư mới.

Nói đến đây, tự nhiên chúng ta lại vướng đến một rào cản mới: đối với ngân hàng, liệu những khoản cho vay trung, dài hạn như trên có thể làm gia tăng tài sản quy đổi rủi ro, từ đó làm sụt giảm hệ số an toàn vốn (CAR) mà các nguyên tắc Basel II đã đưa ra. Có những ý kiến khác cho rằng, việc tuân thủ quá máy móc những khuyến nghị của Basel II cũng có nguy cơ tiềm ẩn của nó, có thể làm hạn chế những dòng vốn vốn đã hạn chế từ hệ thống ngân hàng chuyển sang đầu tư phát triển kinh tế. Do đó, việc ước lượng và vận dụng một cách mềm dẻo hệ số quy đổi rủi ro đối với các khoản cho vay đầu tư cơ sở hạ tầng có thể là một động lực, thay vì phản động lực, trong việc huy động các nguồn lực tín dụng từ ngân hàng thương mại vào công cuộc phát triển cơ sở hạ tầng. Một hệ số an toàn thấp hơn cho các khoản vay đầu tư cơ sở hạ tầng, nếu được xem xét một cách thấu đáo, về mặt lý thuyết, có thể mang lại một lợi ích kép: một mặt sẽ kích thích dòng vốn chảy vào nền kinh tế nhiều hơn, và mặt khác, các doanh nghiệp vay nợ sẽ nhẹ nhàng hơn đối với các chi phí vay vốn của họ.

Và nguồn vốn từ bảo hiểm nhân thọ

Thử xét thị trường bảo hiểm Việt Nam hiện nay. Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ (doanh nghiệp bảo hiểm) chỉ được sử dụng vốn nhàn rỗi của mình để đầu tư ở Việt Nam trong các lĩnh vực như mua trái phiếu chính phủ; mua cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp; kinh doanh bất động sản; góp vốn vào các doanh nghiệp khác; cho vay theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng và gửi tiền tại các tổ chức tín dụng.

Cần lưu ý là trong đó, phần mua trái phiếu chính phủ phải chiếm ít nhất 65% tổng đầu tư tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm. Dĩ nhiên, đây là những khoản đầu tư khá an toàn, nhưng doanh nghiệp bảo hiểm phải chấp nhận tỷ suất sinh lợi không cao như kỳ vọng. Điều này có thể được xem như một nút thắt, hạn chế khả năng đa dạng hóa danh mục đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm, từ đó đa dạng hóa các nguồn thu nhập của họ.

Thử xét trong trường hợp các doanh nghiệp bảo hiểm được “cởi trói”, thông qua việc giảm bớt tỷ lệ phần phải mua trái phiếu chính phủ, do đó, phần đầu tư vào những tài sản “khác” nhiều hơn, cộng với những chính sách cởi mở hơn trong việc tham gia cung cấp vốn, đầu tư vốn vào những dự án đầu tư cơ sở hạ tầng chẳng hạn, thì nền kinh tế nói chung có thể hưởng dụng được nhiều lợi ích to lớn.

Thứ nhất, đây chính là cách thức huy động các nguồn vốn trong nước để phục vụ các dự án cơ sở hạ tầng thông qua các trung gian tài chính như các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm.

Thứ đến, bên cạnh nguồn vốn thương mại từ hệ thống ngân hàng truyền thống, nay các doanh nghiệp trong nước đã có thể được tiếp sức thêm một nguồn vốn không nhỏ từ các doanh nghiệp bảo hiểm, gia tăng sức cạnh tranh về tài chính của các doanh nghiệp trong nước trong việc đấu thầu các dự án PPP.

Bên cạnh đó, do được đầu tư, cho vay từ những nguồn vốn bằng tiền đồng, các doanh nghiệp sử dụng vốn, do có nguồn thu cũng chính bằng tiền đồng, nên có thể tránh được rủi ro ngoại hối một khi phải vay mượn, sử dụng những đồng vốn vay có gốc không phải nội tệ.

Cuối cùng, đối với những quốc gia chuyển đổi từ thu nhập thấp sang thu nhập trung bình như Việt Nam, do đã mất những lợi thế từ vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp, nếu phải vay thương mại ngoài nước, bên cạnh việc chấp nhận những khoản vay với chi phí vốn cao, còn phải đối phó với rủi ro ngoại hối như đã nói ở trên.

(*) Đại học Kinh tế TPHCM

Theo Trương Quang Thông
THời báo Kinh tế Sài Gòn
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com