Toggle navigation
Xuất khẩu 2019 khó cán đích
09/08/2019 | 05:31 GMT+7
Chia sẻ :
-   Xuất khẩu 7 tháng thấp khoảng 1 tỷ USD so với kế hoạch, trung bình đạt 20,7 tỷ USD/tháng.
-   Điều kiện những tháng cuối năm không thuận lợi nhưng xuất khẩu bình quân phải đạt 23 tỷ USD/tháng để đạt kế hoạch.
-   Xuất khẩu sang Trung Quốc tăng quá thấp, EU giảm, Mỹ tăng trưởng đi kèm rủi ro.
Theo kế hoạch của Bộ Công Thương, xuất khẩu 2019 dự kiến đạt 261 - 262 tỷ USD, tăng khoảng 7-7,5% so với năm 2018. Như vậy, từ nay đến cuối năm, mỗi tháng cần xuất được 23,2 - 23,4 tỷ USD để đạt kế hoạch đề ra.  "Đây là nhiệm vụ khó khăn bởi lần gần nhất xuất khẩu Việt Nam chạm mốc 23 tỷ USD đã là tháng 8/2018", Bộ Công Thương nhận định. Việt Nam không thuận lợi để gia tăng xuất khẩu trong những tháng còn lại trước tình hình kinh tế, thương mại thế giới suy giảm hiện nay.

Trong khi đó, 7 tháng đầu năm, giá trị hàng hóa xuất đi mới đạt 145,1 tỷ USD, thấp hơn khoảng 1 tỷ USD so với kịch bản tăng trưởng đề ra. Trung bình mỗi tháng vừa qua xuất khẩu chỉ đạt 20,7 tỷ USD.

cang-cai-lan-4838-1565250566.jpg
Xuất nhập khẩu được dự báo sẽ gặp khó trong thời gian còn lại của năm 2019. Ảnh minh họa: AJOT

Xuất khẩu sang Trung Quốc tăng quá thấp

Thị trường Trung Quốc 6 tháng đầu năm tiếp nhận 16,68 tỷ USD hàng hóa từ Việt Nam, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Những năm gần đây, tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường này nửa đầu năm thường ở mức 2 con số.

trung-quoc-2-png-5539-1565243232.png
Xuất khẩu sang Trung Quốc 6 tháng đầu năm. Đơn vị: tỷ USD. Số liệu: Bộ Công Thương, Tổng cục Thống kê.

Những mặt hàng Trung Quốc giảm nhập khẩu so với cùng kỳ gồm gạo, cá đông lạnh, cao su thiên nhiên, xơ sợi, máy vi tính và linh kiện, thủy tinh, giấy, nhựa, sắt thép, kim loại thường.

Trong đó, điện thoại và gạo ảnh hưởng nhiều nhất. Xuất khẩu điện thoại giảm 549 triệu USD, góp phần lớn nhất vào sự đi xuống của thị trường này. Xuất khẩu gạo cũng giảm 329 triệu USD so với cùng kỳ, tương đương khoảng 30%. Hiện Trung Quốc vừa đẩy mạnh xuất khẩu gạo cũ vừa hạn chế nhập khẩu gạo mới khi tồn kho của nước này ở mức 79%.

"Xuất khẩu sang Trung Quốc tăng quá thấp một phần do nhu cầu nhập khẩu giảm khi kinh tế những tháng đầu năm không khởi sắc. Xung đột thương mại Mỹ - Trung làm nhiều doanh nghiệp Trung Quốc không có đơn hàng mới, phải cắt giảm nhân công, tác động mạnh đến thu nhập và sức tiêu dùng. Ngoài ra, đồng nhân dân tệ yếu đi cũng làm hàng hóa nước ngoài đắt lên tương đối", báo cáo của Bộ Công Thương nêu.

Xuất khẩu sang EU giảm

Xuất khẩu sang thị trường EU 6 tháng đầu năm đạt 20,5 tỷ USD, giảm 0,6% so với cùng kỳ với 5 mặt hàng đóng góp lớn nhất. Sắt thép giảm 43% do sự đi xuống của giá và sức mua của tất cả các thị trường.

Điện thoại và linh kiện giảm 6,8% so với cùng kỳ khi Áo, Đức, Hà Lan, Anh, Thụy Điển có nhu cầu thấp hơn cùng kỳ. Hà Lan cắt giảm mạnh máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện. Thủy sản, cà phê xuất khẩu sang EU đều giảm 13% so dưới tác động của Bỉ, Italia, Hà Lan.

eu-2-png-4118-1565243232.png
Xuất khẩu sang EU 6 tháng đầu năm. Đơn vị: tỷ USD. Số liệu: Bộ Công Thương.


Riêng máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, gỗ, giày dép, rau quả tích cực khi xuất sang thị trường này.

Tăng trưởng xuất khẩu sang Mỹ đi kèm rủi ro

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 6 tháng đạt 27,5 tỷ USD, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm trước. 

3 mặt hàng điện thoại và linh kiện, máy vi tính và sản phẩm điện tử, sắt thép tuy giảm ở thị trường EU nhưng tại thị trường Mỹ vẫn tăng mạnh mẽ. Dù vậy, Bộ Công Thương nhận định, tăng trưởng xuất khẩu thời gian qua vào Mỹ cũng đi kèm với rủi ro có thể chịu biện pháp nhằm hạn chế xuất khẩu từ nước này. Xung đột thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang gây tâm lý lo ngại cho hoạt động thương mại và đầu tư.

Theo Nam Anh
NDH
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com