Toggle navigation
Ngàn tỉ nợ xấu BOT
08/12/2019 | 01:55 GMT+7
Chia sẻ :
Các dự án BOT trở thành nỗi âu lo mới cho hệ thống ngân hàng.
Nguồn ảnh: QH

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, làn sóng đầu tư vào BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) các năm qua đang để lại hệ lụy lớn: khoảng một nửa dư nợ tín dụng trị giá 110.000 tỉ đồng cho lĩnh vực BOT đang có nguy cơ trở thành nợ xấu.

Nguyên nhân gây ra thực trạng này là doanh thu các dự án BOT không đạt như dự kiến ban đầu. Một số dự án buộc phải giảm phí hay chưa tăng phí theo đúng lộ trình trong hợp đồng, khiến lợi nhuận bị teo tóp. “Theo tính toán, có khoảng 9 dự án bị phá vỡ phương án tài chính nếu phải lùi thời điểm tăng giá đến năm 2022. Điều này ảnh hưởng đến hiệu quả tài chính của dự án, không đảm bảo kế hoạch trả nợ theo hợp đồng tín dụng đã ký kết với ngân hàng, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh nợ xấu, ảnh hưởng đến môi trường kêu gọi đầu tư”, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ.

Trên sàn chứng khoán, mã cổ phiếu của một loạt doanh nghiệp chuyên mảng hạ tầng tiếp tục bị bán tháo và rớt giá thảm hại. Đơn cử như giá cổ phiếu HUT của Công ty Tasco hiện chỉ dao động quanh 2.500 đồng. Từ mức doanh thu kỷ lục gần 2.800 tỉ đồng và lợi nhuận ròng hơn 400 tỉ đồng năm 2016, lợi nhuận những năm tiếp theo của Tasco giảm mạnh khi chỉ còn 66 tỉ đồng vào năm 2018. Thậm chí, nửa đầu năm nay, Tasco bất ngờ ghi nhận khoản lỗ hơn 13 tỉ đồng. Từng là kênh đầu tư mới đầy hứa hẹn cho các doanh nghiệp tư nhân khai phá, BOT bất ngờ trở thành ác mộng, thậm chí các ngân hàng cũng tạm thời xa lánh. Liệu triển vọng trong tương lai của thị trường BOT, BT như thế nào?

Theo ghi nhận của Ngân hàng ADB, chỉ 10% các dự án hạ tầng của Việt Nam được tài trợ bởi khu vực tư nhân. Con số này thấp hơn nhiều so với nhiều quốc gia có thu nhập trung bình khác ở châu Á. Nguyên nhân của hạn chế này là đang có một khoảng trống pháp lý và môi trường an toàn thu hút giới đầu tư tham gia. Nhưng khắc phục nhược điểm này là không đơn giản. “Xây dựng một luật hợp tác công - tư là khó khăn. Nếu cơ chế quá hào phóng, các chính phủ có thể phải gánh chịu hàng triệu USD cho các khoản nợ tiềm tàng. Còn quá bảo thủ, dòng vốn đầu tư sẽ dừng lại và chính phủ buộc phải đợi vài năm trước khi cố gắng thông qua luật mới”, ông Donald Lambert, chuyên gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nhận định.

Tuy không phải là cây đũa thần nhưng các công cụ như BOT, BT vẫn là cần thiết để thúc đẩy chất lượng hạ tầng phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của tầng lớp trung lưu đang gia tăng nhanh, đặc biệt là để đón nhận thành công cơ hội hiếm có từ xung đột Mỹ - Trung mang lại.

Mặc dù có cải thiện nhưng hạ tầng vẫn chưa theo kịp với nhu cầu. Thậm chí, theo hãng Bloomberg, hạ tầng Việt Nam đang bị quá tải trầm trọng. Ngày càng nhiều doanh nghiệp phàn nàn về cảng và đường bị tắc nghẽn, chi phí bất động sản và tiền lương tăng vọt. Tapestry, chủ sở hữu của các thương hiệu Coach và Kate Spade, cho biết việc đầu tư cơ sở hạ tầng không đủ khiến cho một số container bị đình trệ trên vùng biển. Trong khi đó, Eclat Textile, nhà cung cấp của Nike, cho biết họ buộc phải đa dạng hóa ngoài Việt Nam, bao gồm cả các địa điểm có chi phí thấp hơn. Tình hình này khiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao nghiên cứu, thống nhất với Bộ Giao thông Vận tải về nội dung Việt Nam thiếu 4 tỉ USD để phát triển cảng biển do Bloomberg đăng tải, báo cáo Thủ tướng.

Bên cạnh nhu cầu nâng cấp các công trình hiện hữu, Việt Nam buộc phải tìm thêm hàng chục tỉ USD để trang trải cho các tham vọng lớn như cảng hàng không quốc tế Long Thành, hoàn thành đề án cao tốc Bắc - Nam, các tuyến đường sắt cao tốc, metro... Do đó, nếu không có cơ chế thúc đẩy khối tư nhân tham gia, các dự án nhiều khả năng sẽ bị chậm tiến độ.

Điều lạc quan hơn là thời gian tới, có thể thị trường BOT sẽ được hâm nóng. Hiện dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) đang được trình Quốc hội xem xét, trong đó có bổ sung một chính sách mới nhằm chia sẻ lợi ích - rủi ro cân bằng hơn giữa nhà đầu tư và chính phủ. Theo dự thảo, Chính phủ cam kết chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án không quá 50% phần hụt thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng.

Bên cạnh nhanh chóng sửa lại luật PPP, thị trường BOT sẽ bước vào một cuộc sàng lọc khốc liệt trong thời gian tới khi khâu lựa chọn doanh nghiệp tham gia đấu thầu dần siết chặt hơn, trong đó sẽ loại bỏ các nhà đầu tư “tay không bắt giặt” giống như trường hợp của Công ty Yên Khánh gần đây. “PPP không phải là một liều thuốc chữa bách bệnh. Tuy nhiên, luật PPP được xây dựng tốt có thể thúc đẩy cơ sở hạ tầng ở Việt Nam và trên toàn khu vực, đồng thời giúp chính phủ duy trì kỷ luật tài khóa và sử dụng các nguồn lực hỗ trợ phát triển hiệu quả hơn”, ông Donald Lambert nhận định

Theo Nguyễn Sơn
Nhịp cầu đầu tư
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com