Toggle navigation
Doanh nghiệp nhà nước nhìn từ Sách trắng... 2019
22/07/2019 | 11:16 GMT+7
Chia sẻ :
Hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước lại trái ngược với quy mô ấn tượng của mình. Chỉ số doanh thu/vốn của doanh nghiệp nhà nước là 0,33, chỉ bằng một nửa chỉ số tương ứng của doanh nghiệp ngoài nhà nước và một phần ba của doanh nghiệp FDI.
Các doanh nghiệp nhà nước cần hướng đến hiệu quả hơn là quy mô. Ảnh: LÊ ANH

Không biết có phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay không mà “Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2019” được công bố (lần đầu tiên) ngay sau Hội nghị giao ban Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp về tình hình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và phát triển doanh nghiệp.

Trong tài liệu tóm tắt Sách trắng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình “sức khỏe” của các doanh nghiệp trong ba khu vực kinh tế: Nhà nước, ngoài nhà nước, và có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được tóm tắt qua một số chỉ số quan trọng. Đáng lưu ý, “sức khỏe” của các doanh nghiệp nhà nước vẫn chậm được cải thiện dù liệu trình cổ phần hóa và sắp xếp lại đã có.

Bức tranh doanh nghiệp nhà nước(1)


Tại thời điểm Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam được công bố, khu vực kinh tế nhà nước có 2.486 doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh, trong số này 1.204 doanh nghiệp là do Nhà nước sở hữu 100% vốn, chiếm 48,43%.

So với khu vực kinh tế FDI và ngoài nhà nước, một số chỉ số về quy mô cho thấy doanh nghiệp nhà nước vượt trội hắn. Cụ thể, số lượng lao động bình quân của một doanh nghiệp nhà nước là 482,70 người, trong khi đó ở khu vực FDI và ngoài nhà nước con số tương ứng là 273,09 và 16,24. Số vốn bình quân thu hút (người viết hiểu là tổng tài sản) của một doanh nghiệp nhà nước gấp khoảng 10,5 lần doanh nghiệp FDI, và khoảng 118 lần doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Về doanh thu, bình quân một doanh nghiệp nhà nước gấp 3,5 lần doanh nghiệp FDI và 38,5 lần doanh nghiệp ngoài nhà nước. Lợi nhuận gộp bình quân của doanh nghiệp nhà nước cũng gấp 3,5 lần doanh nghiệp FDI và 149,5 lần doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Tuy vậy, hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước lại trái ngược với quy mô ấn tượng của mình. Chỉ số doanh thu/vốn của doanh nghiệp nhà nước là 0,33, chỉ bằng một nửa chỉ số tương ứng của doanh nghiệp ngoài nhà nước và một phần ba của doanh nghiệp FDI.

Chỉ số lợi nhuận ròng trên tài sản (ROA) của doanh nghiệp nhà nước, mặc dù nhỉnh hơn một chút so với doanh nghiệp ngoài nhà nước, nhưng cũng chỉ bằng một phần ba so với doanh nghiệp FDI. Chỉ số ROA của doanh nghiệp nhà nước là 2,2%/năm, thấp hơn mức lạm phát xấp xỉ 4% và tốc độ tăng trưởng của GDP là 7,08%. Qua đây có thể thấy hiệu quả sử dụng tài sản của doanh nghiệp nhà nước là rất thấp.

Trong khi đó, chỉ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) của doanh nghiệp nhà nước ở mức khá tốt là 11,4%, vẫn thấp hơn khu vực FDI là 18,1%. Tuy nhiên, ROE cao có thể do một lý do quan trọng là vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp nhà nước không chiếm phần lớn trong tổng tài sản của doanh nghiệp. Điều này trùng hợp với việc chỉ số nợ của doanh nghiệp nhà nước khá cao, là 4,1 so với khu vực FDI chỉ là 1,6. Các doanh nghiệp nhà nước vay nợ nhiều nên trên bảng cân đối, tổng tài sản sẽ tăng nhiều, ROE cao và ROA thấp.

Doanh nghiệp nhà nước cần hướng đến hiệu quả hơn là quy mô

Hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp nhà nước, từ lâu đã được nhìn nhận là thấp so với nguồn lực được đầu tư. Các con số về quy mô tổng tài sản, doanh thu, lợi nhuận gộp mặc dù ấn tượng nhưng nếu các chỉ số về hiệu quả thấp thì chất lượng quản trị điều hành doanh nghiệp nhà nước đang thực sự có vấn đề.

Chính sách cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước đã được triển khai nhiều năm nhưng hiệu quả vẫn chưa được như mục tiêu đặt ra. Tỷ lệ cổ phần hóa lũy kế từ năm 2016 đến nay chỉ đạt 27,5%, trong khi đó tỷ lệ thoái vốn nhà nước trong cùng giai đoạn cũng chỉ đạt 21,8% kế hoạch. Nhiều lý do được đưa ra để giải thích cho sự chậm trễ này, cả khách quan lẫn chủ quan, nhưng quan trọng nhất, có lẽ là thiếu quyết tâm chính trị làm đến nơi đến chốn ở các cấp có liên quan, đặc biệt là các cấp cao nhất.

Nhiều điều khoản về thương mại, thống kê trên thế giới hiện nay xem các vấn đề của doanh nghiệp nhà nước cũng chính là của chính phủ, như nợ vay (vay của doanh nghiệp nhà nước cũng chính là nợ công), cạnh tranh không lành mạnh trong việc trợ giá, tín dụng ưu đãi, bảo hộ của chính phủ. Do đó, các doanh nghiệp nhà nước cần hướng đến hiệu quả hơn là quy mô. Muốn vậy, những người được Nhà nước ủy quyền đại diện và quản lý ở doanh nghiệp cần phải được đánh giá trên các chỉ số hiệu quả cụ thể, từ một đồng vốn được giao thì tạo ra được bao nhiều đồng lời, so với doanh nghiệp cùng ngành ở khu vực ngoài nhà nước và FDI.

(1) Bao gồm công ty TNHH một thành viên 100% vốn nhà nước; công ty cổ phần, công ty TNHH có vốn nhà nước lớn hơn 50%; toàn bộ các doanh nghiệp thuộc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thành viên cấp 1, 2, 3, 4.

Tổng quan bức tranh doanh nghiệp Việt Nam

Theo số liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 31-12-2018, cả nước có 714.755 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 9,2% so với cùng thời điểm năm 2017. Tổng số doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh (SXKD) do ngành thống kê điều tra, cập nhật vào thời điểm 31-12-2017 trên phạm vi cả nước là 560.417 doanh nghiệp, tăng 11% so với thời điểm 31-12-2016.

Tổng nguồn vốn sử dụng cho SXKD của toàn bộ doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả SXKD tại thời điểm 31-12-2017 đạt 33 triệu tỉ đồng, tăng 17,5% so với cùng thời điểm năm 2016. Trong đó, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước thu hút 17,5 triệu tỉ đồng vốn, chiếm 53% vốn của toàn bộ khu vực doanh nghiệp, tăng 16,5% so với cùng thời điểm năm 2016. Khu vực doanh nghiệp nhà nước thu hút 9,5 triệu tỉ đồng (chiếm 28,8%, tăng 19,2%). Khu vực doanh nghiệp FDI thu hút 6 triệu tỉ đồng (chiếm 18,1%, tăng 17,8%).

Năm 2017, tổng doanh thu thuần của toàn bộ doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả SXKD đạt 20,66 triệu tỉ đồng, tăng 18,5% so với năm 2016, tăng cao hơn tốc độ tăng nguồn vốn của doanh nghiệp (tăng 17,5%).

Tổng lợi nhuận trước thuế của khu vực doanh nghiệp năm 2017 đạt 876.700 tỉ đồng, tăng 23,1% so với năm 2016.

Chỉ số nợ chung của toàn bộ doanh nghiệp năm 2017 là 2,5 lần, nói cách khác, tổng số tài sản nợ của doanh nghiệp năm 2017 gấp 2,5 lần vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp. Trong đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước có chỉ số nợ là 4,1 lần; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước là 2,3 lần và khu vực doanh nghiệp FDI là 1,6 lần.

(Theo “Tóm tắt nội dung Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2019” - Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Theo Khánh Bình
Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com