Toggle navigation
Xuất khẩu lương thực, thực phẩm: Cơ hội và thách thức đan xen
18/08/2019 | 05:11 GMT+7
Chia sẻ :
Việt Nam xuất khẩu hàng đầu thế giới nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm. Nhưng phương thức sản xuất còn manh mún, chất lượng không đồng đều, dễ gặp thách thức khi đáp ứng các chuẩn mực của thế giới về truy xuất nguồn gốc.
Tại Hội thảo “Cơ hội tiếp cận các thị trường xuất khẩu tiềm năng ngành lương thực, thực phẩm” do Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM và Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp tổ chức ngày 7/8/2019 vừa qua, ông Phạm Tuấn Long - Phó trưởng phòng Xuất nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản, Cục Xuất khẩu, Bộ Công Thương, cho biết, năm 2018, giá trị kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông sản chủ lực của Việt Nam đạt gần 27 tỷ USD, chiếm gần 11% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Riêng 6 tháng đầu năm 2019, nhóm hàng này đạt 12,3 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, trong đó có 5 mặt hàng có kim ngạch từ 3 tỷ USD trở lên là thủy sản, rau quả, cà phê, hạt điều, gạo. Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu hàng nông, thủy sản vào loại cao nhất thế giới, như điều nhân đứng thứ nhất, gạo đứng thứ 3, thủy sản đứng thứ 5, cà phê, hồ tiêu chiếm 50-60% thị phần của thế giới.

Theo ông Long, thời gian tới, thuế nhập khẩu hàng hóa của các đối tác của Việt Nam trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) cùng một số FTA song phương sẽ tiếp tục được xóa bỏ hoặc cắt giảm, tạo thêm lợi thế cạnh tranh cho hàng nông sản Việt Nam.

Tham dự Hội thảo, ông Ramlan Osman - Giám đốc Kinh doanh Công ty Vietnam Halal Center chia sẻ: “Hiện thực phẩm đạt chuẩn Halal (sản phẩm người theo đạo Hồi được phép sử dụng) cho thị trường các nước Hồi giáo mới đáp ứng gần 10% nhu cầu. Việt Nam là nước sản xuất cà phê, gạo, đậu hạt, thủy hải sản, rau củ quả, gia vị với số lượng lớn, sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp khai thác khoảng trống thị trường này".

Theo đại diện Bộ Công Thương, năm 2019, thương mại toàn cầu vẫn tiềm ẩn những biến động khó lường. Cùng với đó, Chính phủ các quốc gia như Mỹ, Canada, Nhật Bản, Úc, các nước EU áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe, như siết chặt mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với nông sản nhập khẩu, các qui định về đánh bắt thủy sản hợp pháp... Trong khi đó, Việt Nam sản xuất hàng nông, thủy sản còn manh mún, dẫn đến chất lượng không đồng đều, khó kiểm soát vấn đề an toàn và khó áp dụng các chuẩn mực của thế giới về truy xuất nguồn gốc. Có những sản phẩm không đạt chỉ tiêu an toàn thực phẩm ảnh hưởng tới hình ảnh, thương hiệu của hàng hóa Việt Nam.

Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động nắm bắt về rào cản kỹ thuật, biện pháp bảo hộ mậu dịch của nhiều nước để kịp thời thông tin cho các đơn vị liên quan và doanh nghiệp xuất khẩu. Đặc biệt, Chính phủ đang cho quy hoạch lại vùng sản xuất, khuyến khích hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi...

"Riêng đối với xuất khẩu nông thủy sản sang các nước có chung biên giới, Bộ Công Thương đã phối hợp với các cơ quan hữu quan, tăng cường quản lý và giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh, nhất là xuất khẩu trái cây. Bộ phối hợp với các tỉnh giáp biên tạo điều kiện thuận lợi xuất khẩu một số mặt hàng quan trọng như gạo, đường, trao đổi với phía Trung Quốc để giải quyết kịp thời nguy cơ ùn tắc tại cửa khẩu khi một số nông sản xuất khẩu vào chính vụ" - đại diện Bộ Công Thương chia sẻ.

Theo Phan Tịnh Tâm- Gia Thắng
Doanh Nhân Sài Gòn
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com