Toggle navigation
Đại Án Phạm Công Danh: Công lý bị bỡn cợt?
27/07/2018 | 03:22 GMT+7
Chia sẻ :
Đại án Phạm Công Danh cho đến nay đạt kỷ lục về số tiền bị thiệt hại, chiếm đoạt. Đại án này được Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương trực tiếp chỉ đạo. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn có dấu hiệu bỏ lọt hành vi phạm tội và người phạm tội.
Bỏ lọt hành vi chiếm đoạt?

Trước khi mua ngân hàng, Phạm Công Danh là con nợ với hàng ngàn tỷ. Tập Đoàn Thiên Thanh có tình hình tài chính yếu kém. Kèm theo “thành tích” đã từng đi tù về hành vi chiếm đoạt tài sản, Phạm Công Danh và đồng phạm vẫn mua được Ngân hàng Đại Tín (sau đổi tên thành Ngân hàng Xây Dựng) bằng nguồn tiền rút ra từ chính ngân hàng. Làm Chủ tịch, Phạm Công Danh thực hiện nhiều thủ đoạn khác nhau để rút tiền ngân hàng trả các khoản nợ cũ, mua sắm tài sản, trả lương cho nhân viên Tập đoàn Thiên Thanh, thậm chí chi hàng chục tỷ đồng mua rượu và hàng ngàn tỷ không nhớ chi vào việc gì. Đơn cử tháng 4/2012, Phạm Công Danh vay BIDV 2.600 tỷ đồng thực hiện Dự án bất động sản tại Sân vận động Chi Lăng Đà Nẵng nhưng Phạm Công Danh sử dụng cho các mục đích cá nhân. Khoản vay này sau đó được Phạm Công Danh trả nợ từ số tiền rút ra từ Ngân hàng Xây Dựng.


Phạm Công Danh tại tòa

Hơn 20.000 tỷ đồng được rút ra, Phạm Công Danh sử dụng trả nợ, chi tiêu cá nhân có địa chỉ và không rõ địa chỉ hơn 12.000 tỷ đồng. Nguyên Chánh tòa Hình sự Tòa án nhân dân Tối Cao Đinh Văn Quế đã từng có ý kiến hành vi của Phạm Công Danh có dấu hiệu của hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chứ không phải tội Cố ý làm trái và Vi phạm quy định về cho vay. Vì không bị xét xử về tội chiếm đoạt tài sản với mức hình phạt cao nhất là chung thân, dù Phạm Công Danh bị xử hết hành vi này đến hành vi khác, hết vụ án này đến vụ án khác nhưng mức án cuối cùng của Danh phải chịu vẫn chỉ là 30 năm tù.

Bỏ lọt hành vi phạm tội của Phạm Công Trung?

Theo điều tra, Phạm Công Danh chỉ đạo Phạm Công Trung cùng các cá nhân khác dùng nhiều doanh nghiệp lập hồ sơ khống kinh doanh vật liệu xây dựng làm mục đích vay tiền BIDV. Thực tế các doanh nghiệp này không kinh doanh vật liệu xây dựng, giám đốc là nhân viên bảo vệ, rửa xe … của Phạm Công Danh, Phạm Công Trung. Không chỉ BIDV, các doanh nghiệp này còn được Phạm Công Danh sử dụng để vay tiền tại Sacombank, TPBank, Ngân hàng Xây Dựng, là công cụ chủ yếu để Phạm Công Danh rút ra 18.000 tỷ đồng trong vụ án. Phạm Công Trung trực tiếp tham gia quá trình lấy số liệu, lập hồ sơ, hợp đồng mua bán khống để vay BIDV số tiền 4.700 tỷ đồng. Thậm chí, có 4 Hợp đồng mua bán vật liệu xây dựng khống do Công ty Việt Trung (chính Phạm Công Trung làm giám đốc) ký với các đối tác. Nhiều giám đốc các doanh nghiệp khai việc đứng tên doanh nghiệp, ký hợp đồng khống là theo đề nghị của Phạm Công Trung. Hàng chục cá nhân tham gia chuyển tiền trong vụ việc đều là nhân viên của Phạm Công Danh, Phạm Công Trung. Các cá nhân này đứng tên mở tài khoản, ký chứng từ rút tiền, chuyển tiền nhưng không nhìn thấy tiền, không được sử dụng tiền, không biết tiền đi đâu. Các cá nhân như Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương, Nguyễn Quốc Viễn, Lưu Trung Kiên … đều khẳng định Phạm Công Trung có tham gia họp bàn và được Danh giao thu thập thông tin dự án để lập hồ sơ khống vay tiền BIDV. Cơ quan điều tra nhận định mặc dù không ký trực tiếp trên hồ sơ nhưng vai trò của Phạm Công Trung rất rõ nét và quan trọng hơn vai trò của Phan Minh Tùng và một số cá nhân khác đã được Viện kiểm sát phê chuẩn quyết định khởi tố.

Không chỉ gúp sức tích cực cho Phạm Công Danh, Phạm Công Trung và gia đình còn trực tiếp hưởng lợi tiền rút ra từ BIDV bằng hành vi gian dối. Phạm Công Danh, Phạm Công Trung và gia đình (Phạm Tòa, bố đẻ; Quách Kim Chi, vợ Danh; Phạm Thị Hồng Hoa, Phạm Thị Kim Loan, Phạm Thị Hồng Liên – chị em ruột) đều đứng tên, sở hữu cổ phần Ngân hàng Xây Dựng. Nguồn tiền mua cổ phần này là từ 4.700 tỷ đồng vay BIDV. Phạm Công Trung buộc phải biết chính mình đã dùng tiền rút từ BIDV để mua cổ phần Ngân hàng Xây Dựng.


Ngày 30/3/2015, Cơ quan điều tra ra lệnh khởi tố và bắt giam với Phạm Công Trung, em trai Phạm Công Danh. Điều đáng ngạc nhiên, gần 8 tháng sau, ngày 12/11/2015, Viện kiểm sát có quyết định không phê chuẩn việc khởi tố với Phạm Công Trung (?).

Tháng 2/2018, Tòa án nhân dân TP.HCM nêu: quá trình thẩm vấn và tranh luận tại tòa xác định tiền vay từ ngân hàng được Danh sử dụng trả nợ trước đó, tăng vốn điều lệ, trả lương nhân viên … nên cần điều tra làm rõ “Phạm Công Danh có thực hiện việc chiếm đoạt hay không, thời điểm chiếm đoạt và số tiền chiếm đoạt là bao nhiêu?”.

Sau khi điều tra bổ sung theo yêu cầu của Tòa, Viện kiểm sát tối cao cho rằng “tài liệu điều tra không đủ căn cứ kết luận Phạm Công Danh có hành vi chiếm đoạt tài sản”. Quan điểm của Viện kiểm sát đặt ra vấn đề: Dùng hành vi gian dối để rút tiền sử dụng cho mục đích cá nhân, thậm chí mua rượu, mà không thể kết luận chiếm đoạt tài sản, vậy thế nào mới là hành vi chiếm đoạt?

Với Phạm Công Trung, sau khi điều tra bổ sung, Viện kiểm sát Tối cao và Cơ quan điều tra cho rằng hành vi của Phạm Công Trung là đồng phạm, giúp sức cho Phạm Công Danh vay tiền BIDV. Tuy nhiên, vì Bộ Luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2018 đã bỏ tội danh Cố ý làm trái nên không xử lý hình sự với Phạm Công Trung. Như vậy phải chăng các cơ quan tố tụng đã bỏ lọt tội phạm với Phạm Công Trung? Ai phải chịu trách nhiệm về việc này? Tại sao trước khi Bộ luật Hình sự mới có hiệu lực Phạm Công Trung lại không bị xử lý như các cá nhân khác, tại sao Viện kiểm sát tối cao không phê chuẩn việc khởi tố, bắt giam với Phạm Công Trung khi Bộ luật cũ đang có hiệu lực? Những người lao động, không hưởng lợi, ký mà không biết gì chỉ vì tin tưởng anh em Phạm Công Trung, Phạm Công Danh thì lại bị xử lý trong vụ án. Nếu Phạm Công Danh bị xử lý về hành vi chiếm đoạt tài sản, thì Phạm Công Trung sẽ là đồng phạm của Phạm Công Danh về hành vi này, cho dù áp dụng Bộ Luật Hình sự cũ hay mới.
Phạm Công Danh có tiền án, không có trình độ, rắp tâm mua ngân hàng để rút tiền, nhưng thật nực cười khi có những luật sư ca ngợi Phạm Công Danh như người hùng vào giải cứu Ngân hàng Đại Tín, thậm chí có luật sư còn ví Phạm Công Danh là Đông – Ky – Xốt.

Nếu không xử lý Phạm Công Trung, nếu không xử lý hành vi chiếm đoạt tài sản của Phạm Công Danh, nếu còn ví Phạm Công Danh như một “nạn nhân” hay “người hùng” thì Công Lý trong đại án này đang bị bỡn cợt và quyết tâm chống tham nhũng sẽ bị nghi ngờ.

Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com