Toggle navigation
Nhân Dân Tệ hoá
01/09/2018 | 08:00 GMT+7
Chia sẻ :

Đơn vị tiền tệ của Việt Nam là Đồng Việt Nam. Việc sử dụng tiền tệ trong các giao dịch trên lãnh thổ quốc gia không chỉ là vấn đề kinh tế, mà còn là vấn đề an ninh, quốc phòng, chính trị. Đồng tiền xác định chủ quyền của quốc gia.

Chính sách của Việt Nam từ trước đến nay được xác định trong Pháp lệnh về Ngoại hối là nhất quán theo mục tiêu trên lãnh thổ Việt Nam chỉ sử dụng Đồng Việt Nam, đồng thời nâng cao tính chuyển đổi của Đồng Việt Nam. Nền kinh tế Việt Nam đã từng bị “Đô La hóa”, “vàng hóa”. Nhiều giao dịch được dân chúng thanh toán bằng vàng hoặc USD (đô la). Với nhiều nỗ lực, hiện tượng giao dịch bằng vàng đã được hạn chế cơ bản. Hiện tượng găm giữ, giao dịch bằng USD vẫn còn phổ biến và Nhà nước Việt Nam đang tiếp tục áp dụng các giải pháp để hạn chế, đơn cử như quy định không trả lãi suất cho các khoản tiền gửi bằng USD. Đã có nhiều trường hợp USD giao dịch trái phép bị tịch thu.



Vấn đề đặt ra là việc cho phép sử dụng Nhân Dân Tệ trên lãnh thổ Việt Nam có phù hợp với chính sách đã được xác định trong Pháp lệnh về Ngoại hối do Ủy ban thường vụ Quốc Hội ban hành? Có ảnh hưởng gì đến các hoạt động quản lý kinh tế, đến an ninh, quốc phòng?


Ngày 28/8/2018, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành quy định cho phép thương nhân, cư dân được giao dịch bằng tiền Nhân Dân Tệ của Trung Quốc với hoạt động thương mại trên lãnh thổ Việt Nam, tại các tỉnh có chung biên giới với Trung Quốc. Các hình thức thanh toán được chấp nhận rất rộng, kể cả bằng tiền mặt.


Việc cho phép sử dụng tiền của nước khác (Nhân Dân Tệ) trên lãnh thổ Việt Nam không phù hợp với chính sách đã được xác định trong Pháp lệnh về Ngoại hối do Ủy ban thường vụ Quốc Hội ban hành. Cùng trên lãnh thổ Việt Nam có 2 loại tiền tệ được lưu hành. Với các đối tượng và phạm vi rất rộng được chấp nhận thanh toán bằng cả Đồng Việt Nam và Nhân Dân Tệ, với các thủ tục tương đối đơn giản khi chuyển tiền 2 chiều Việt Nam – Trung Quốc, các số liệu thống kê phục vụ quản lý kinh tế dễ bị sai lệch. Quy định này dễ dàng bị lợi dụng để thực hiện các hành vi chuyển tiền bất hợp pháp, rửa tiền, làm ảnh hưởng không tốt đến hoạt động quản lý kinh tế, đến an ninh chính trị, chủ quyền của Việt Nam. Đồng Việt Nam không những không thể nâng cao khả năng chuyển đổi mà còn có nguy cơ bị “lấn át” bởi Nhân Dân Tệ.


Hơn nữa, liệu các tỉnh Việt Nam có chung biên giới với các nước khác như Lào, Cam Pu Chia có được áp dụng các cơ chế như các tỉnh có chung biên giới với Trung Quốc hay không? Nếu không thì lý do có sự phân biệt là gì? Nếu các tỉnh giáp Cam Pu Chia cũng được sử dụng tiền Cam Pu Chia, các tỉnh giáp Lào được sử dụng tiền Lào thì trong lãnh thổ Việt Nam sẽ có 4 loại tiền được lưu hành (?).


Quan trọng nhất, khi cho phép sử dụng đồng tiền nước khác trên lãnh thổ Việt Nam, chủ quyền của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng, sẽ có hiện tượng người Việt Nam bị yêu cầu chỉ thanh toán bằng Nhân Dân Tệ thay vì Đồng Việt Nam trên chính lãnh thổ Việt Nam. Quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể làm phát sinh hiện tượng “Nhân Dân Tệ hóa”.

Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com