Toggle navigation
Suy ngẫm về các đại án tham nhũng: ai tham ô, ai chiếm đoạt?
04/05/2018 | 12:36 GMT+7
Chia sẻ :

Xác định đúng tội danh trong các vụ đại án tham nhũng thì mới thấy rõ bản chất của vụ án, mới có thể thấy được hàng chục ngàn tỷ đã đi đâu, mới có thể thu hồi tài sản và buộc các bên liên quan phải chịu trách nhiệm.

Bỏ lọt tội danh chiếm đoạt hàng ngàn tỷ?

Chiếm đoạt tài sản là hành vi vụ lợi, trái pháp luật biến tài sản của người khác thành của mình. Chiếm đoạt tài sản của Nhà nước thì có thể phạm tội tham ô, hình phạt cao nhất là tử hình. Không phải tham ô, hình phạt cao nhất của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản chỉ là chung thân. Các hành vi trái pháp luật, gây thiệt hại cho tài sản của người khác mà không có tính vụ lợi, không có chiếm đoạt thì chỉ phạm tội do gây hậu quả nghiêm trọng. Mức hình phạt cao nhất của tội phạm gây hậu quả nghiêm trọng chỉ là 30 năm tù.

Xác định đúng tội danh trong các vụ đại án tham nhũng thì mới thấy rõ bản chất của vụ án, mới có thể thấy được hàng chục ngàn tỷ đã đi đâu, mới có thể thu hồi tài sản và buộc các bên liên quan phải chịu trách nhiệm.

Tử hình Nguyễn Xuân Sơn vì tham ô

Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) không phải là doanh nghiệp Nhà nước, phần vốn góp của nhóm Hà Văn Thắm là 63%, phần vốn góp của Tập đoàn Dầu Khí (PVN – của Nhà nước) là 20%, còn lại là các cổ đông khác. Trong vụ án Hà Văn Thắm, Oceanbank đã dùng hơn 1.500 tỷ đồng để chi ngoài lãi suất cho khách hàng. Riêng Nguyễn Xuân Sơn nhận hơn 246 tỷ đồng để chi cho khách hàng. Do không chứng minh được địa chỉ cụ thể, người được cho là nhận tiền phủ nhận nên Nguyễn Xuân Sơn bị kết luận đã chiếm đoạt số tiền này. Do PVN là doanh nghiệp Nhà nước sở hữu 20% Oceanbank nên Nguyễn Xuân Sơn bị kết luận phạm tội tham ô 20% của số tiền hơn 246 tỷ đồng (tương đương 49 tỷ đồng) với mức hình phạt là tử hình. Tại phiên tòa phúc thẩm mới đây, cho dù Nguyễn Xuân Sơn xin được nộp lại 37 tỷ đồng khắc phục hậu quả, nhưng vẫn bị đề nghị giữ nguyên án tử hình. Số tiền còn lại hơn 197 tỷ đồng Sơn bị kết tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Riêng Hà Văn Thắm bị xử phạt tù chung thân vì đồng phạm với Nguyễn Xuân Sơn trong hành vi tham ô tài sản và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Như vậy, nếu Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt tiền của PVN vì PVN sở hữu 20% Oceanbank thì đối chiếu với tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhóm Hà Văn Thắm tại Oceanbank thì thật mâu thuẫn khi Thắm đã giúp sức cho Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt tài sản của chính mình (?).

Nguyễn Xuân Sơn và Hà Văn Thắm tại tòa


Huỳnh Thị Huyền Như thoát tham ô

Ngân hàng Công thương VN (Vietinbank) là doanh nghiệp Nhà nước. Là Giám đốc Phòng giao dịch, Huỳnh Thị Huyền Như giả mạo chữ ký, chứng từ để rút gần 5.000 tỷ đồng tiền gửi của nhiều khách hàng tại Ngân hàng Công Thương VN (Vietinbank), trong đó, số tiền chưa thu hồi được đến khi vụ án được xét xử lần đầu là 3.900 tỷ đồng. Trong suốt quá trình điều tra, truy tố, 2 lần Viện kiểm sát tối cao yêu cầu xác định hành vi của Huyền Như là tham ô, chiếm đoạt tài sản của Vietinbank. Tuy nhiên, kết quả xét xử sơ thẩm lần đầu vẫn xác định Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các khách hàng, Vietinbank không phải chịu trách nhiệm trả lại các khoản tiền gửi đã bị rút trái phép.

Huỳnh Thị Huyền Như bị tuyên án chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản


Bản án phúc thẩm sau đó đã hủy một phần bản án sơ thẩm, xác định Huyền Như có hành vi tham ô tài sản của Vietinbank. Khi đó, Vietinbank sẽ phải có trách nhiệm với các khoản tiền của khách hàng bị Huyền Như rút trái pháp luật. Tuy nhiên, khi xét xử sơ thẩm vụ án lần 2, Huỳnh Thị Huyền Như tiếp tục thoát tội Tham ô tài sản (của Vietinbank), chỉ bị xử phạt chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (của khách hàng). Vietinbank không có trách nhiệm bồi thường tiền cho các khách hàng. Các khách hàng mất tiền chỉ còn cách đòi tiền của Huyền Như trên giấy tờ, vì vụ án  không làm rõ hàng ngàn tỷ của Huyền Như chiếm đoạt đã đi đâu.

Anh em Phạm Công Danh thoát tội chiếm đoạt

Tháng 7/2012, Ngân hàng Đại Tín của nhóm Hứa Thị Phấn lỗ hơn 6.000 tỷ, mất hết vốn điều lệ và âm tiếp gần 3.000 tỷ. Biết rõ tình trạng đó, Phạm Công Danh, Phan Thành Mai vẫn mua 85% cổ phần ngân hàng của nhóm Hứa Thị Phấn. Trước đó, Phạm Công Danh đã nợ hàng ngàn tỷ đồng tại các ngân hàng mà nếu không làm chủ ngân hàng để rút được tiền thì sẽ khó có thể trả được các khoản nợ này. Phạm Công Danh không có tiền để trả Hứa Thị Phấn, không góp bất cứ đồng nào của mình vào Ngân hàng Xây Dựng. Phạm Công Danh rút trái phép từ ngân hàng hơn 18.000 tỷ đồng (tương đương hơn 800 triệu USD) và sử dụng toàn bộ cho mục đích cá nhân như: trả tiền mua cổ phần của Hứa Thị Phấn; trả nợ, chi tiêu cá nhân, thậm chí chi hàng chục tỷ đồng mua rượu; hàng ngàn tỷ không xác định được địa chỉ. Hành vi của Phạm Công Danh đã biến tiền của ngân hàng thành tiền của mình, có yếu tố vụ lợi, chiếm đoạt tài sản.

Cho dù có nhiều ý kiến của giới chuyên môn, cho dù Tòa đã có yêu cầu làm rõ hành vi chiếm đoạt của Phạm Công Danh, nhưng may mắn hơn Nguyễn Xuân Sơn, Hà Văn Thắm và cả Huỳnh Thị Huyền Như, cho đến nay Phạm Công Danh không hề bị kết tội chiếm đoạt tài sản, chỉ bị kết tội cố ý làm trái, vi phạm quy định cho vay gây hậu quả nghiêm trọng với mức hình phạt tổng hợp cao nhất cho tất cả các hành vi là 30 năm tù.



Hứa Thị Phấn, PHạm Công Danh không bị truy tố về hành vi chiếm đoạt tài sản

Phạm Công Trung, người được Cơ quan điều tra xác định là đồng phạm, giúp sức tích cực cho Phạm Công Danh lập các công ty ma, hồ sơ khống rút tiền ngân hàng chi tiêu cá nhân thì đã thoát tội, không bị xử lý. Theo Cơ quan điều tra thì Bộ luật Hình sự bỏ tội danh Cố ý làm trái từ ngày 01/01/2018, nên không xử lý hình sự với Phạm Công Trung. Điều đáng nói là vụ án này được khởi tố từ năm 2014, nhưng Phạm Công Trung vẫn không bị xử lý như các bị cáo khác.

Cũng tại Ngân hàng Xây Dựng, phiên tòa xét xử Hứa Thị Phấn xem xét hành vi của Hứa Thị Phấn cùng đồng phạm cố ý làm trái, hạch toán thu – chi khống, gây thiệt hại cho ngân hàng này hơn 5.200 tỷ đồng. Thực tế Hứa Thị Phấn cũng sử dụng số tiền này cho mục đích cá nhân, nhưng Hứa Thị Phấn không bị truy tố về hành vi chiếm đoạt tài sản.

Hàng ngàn tỷ được cho là thiệt hại trong vụ án Phạm Công Danh, Hứa Thị Phấn không hề biến mất, chỉ có điều là cho đến nay đã không chỉ rõ được kẻ đã chiếm hưởng số tiền này. Ngân hàng Xây Dựng được Ngân hàng Nhà nước VN mua không đồng. Nhà nước hay nói cách khác là người đóng thuế đang phải chịu hậu quả với số tiền này thay cho những kẻ chiếm đoạt. Chống tham nhũng là phải tìm được kẻ tham nhũng, hưởng lợi và thu hồi tài sản.

Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com