Toggle navigation
Biểu tình và suy ngẫm
13/06/2018 | 08:47 GMT+7
Chia sẻ :
Truyền thống yêu nước là tài sản quý báu, vô giá của dân tộc Việt Nam. Nhưng truyền thống đó chỉ biến thành sức mạnh khi dân tộc này đoàn kết. Một Việt Nam chia rẽ, rối loạn, yếu ớt là điều mà nhiều thế lực bên ngoài mong muốn.  Hành vi bạo lực, quá khích dưới mọi hình thức không thể là biểu hiện của lòng yêu nước chân chính. 

Nhiều người quá khich tập trung trước trụ sở UBND tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Vietnamnet

Làn sóng biểu tình phản đối dự luật đặc khu kinh tế tại một số địa phương những ngày qua đã gây bất ngờ đối với cơ quan công quyền. Tại một số địa phương như Bình Thuận, tình hình đã leo thang thành bạo động, vượt quá năng lực xử lý, kiểm soát của chính quyền địa phương đến mức ông Bí thư Tỉnh ủy phải thốt lên: “Không thể tin việc rối loạn xảy ra ngay thời bình”. Sự bị động, lúng túng trong ứng phó của chính quyền dường như tiếp tay thêm cho sự manh động, quá khích của một phận quần chúng. Chưa vội phán xét ai đúng ai sai, nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp Việt Nam, người dân xuống đường phản đối một dự luật. 

Trách nhiệm giải trình của Chính phủ

Trách nhiệm giải trình của Chính phủ là một trong những yêu cầu cơ bản của một xã hội dân chủ. Không thể phủ nhận ý nghĩa tốt đẹp của việc xây dựng các đặc khu nhằm tạo bước đột phá về thể chế, tạo động lực cho sự tăng trưởng kinh tế, phát triển khoa học công nghệ nước nhà. Điều đáng tiếc là ý nghĩa đó đã không được diễn giải, truyền thông đến người dân một cách đầy đủ, kịp thời. Mỗi người dân có mức độ, cách thức tiếp cận thông tin, hiểu biết khác nhau. Nhiều người lên tiếng phản đối dự luật vì nghe nói “loáng thoáng” luật cho… TQ thuê đất 99 năm?! Cơ chế “dân biết, dân bàn” đã không được thực thi đầy đủ. Khi Chính phủ không làm tốt trách nhiệm thông tin, giải trình hoặc sẽ có người khác làm thay họ hoặc người dân sẽ tự tìm hiểu theo cách riêng của mình. Khi đó khó tránh khỏi việc người dân có nguy cơ tiếp cận với những thông tin xuyên tạc, có dụng ý xấu.

Không để “tức nước vỡ bờ”

Tại sao bạo động không xảy ra ở một thành phố lớn khác hay địa phương có đặc khu mà bùng phát ở Bình Thuận, một tỉnh ven biển thuần nhất vốn yên bình bấy lâu nay? Bình Thuận sống nhờ du lịch, nuôi trồng và đánh bắt hải sản. Như nhiều địa phương khác, Bình Thuận có nhiều dự án phải thu hồi đất. Sự bức xúc của người dân do chính sách đền bù không thỏa đáng, môi trường sống bị ô nhiễm do nhiệt điện, sinh kế trên biển bị đe dọa bởi tàu nước ngoài… là cách mà “chiếc lò xo mẫu thuẫn đã bị nén xuống”. Do đó, nếu chính quyền không sớm tìm ra một cơ chế hữu hiệu giải quyết căn cơ nạn quan liêu, tham nhũng, thiếu trách nhiệm trong bộ máy công quyền thì chính cơ chế này sẽ còn sản sinh ra những Tuy Phong, Đồng Tâm khác. Đó thực sự là mối nguy nan cho sự phát triển của Việt Nam.

Rất cần có luật biểu tình


Theo đại biểu Dương Trung Quốc, Luật Biểu tình giúp phân tách được đâu là người bức xúc, là quyền người dân, đâu là người lợi dụng để kích động. Ảnh: Hoàng Hà. Theo Zing.vn

Trong một xã hội văn minh và dân chủ, người dân có quyền được thể hiện tiếng nói, quan điểm và đề đạt nguyện vọng của mình với chính quyền. Biểu tình là một hình thức để người dân thực hiện quyền cơ bản của một công dân đã được hiến pháp thừa nhận. Ở các nền dân chủ phát triển, biểu tình là một phần của đời sống chính trị. Nó cho thấy sự quan tâm, trách nhiệm, trình độ hiểu biết của người dân đối với các vấn đề xã hội, với vận mênh đất nước và tương lai con em họ. Nó còn là lời cảnh báo, nhắc nhở đối với chính quyền để những người có trách nhiệm thực thi công vụ một cách công tâm, minh bạch, vì lợi ích nhân dân. Ở khía cạnh này, quyền biểu tình của người dân được thực thi đầy đủ sẽ là một công cụ hữu hiệu để giám sát, kiểm soát quyền lực, hạn chế tham nhũng trong bộ máy công quyền. Chúng ta đang xây dựng một nhà nước “của dân, do dân, vì dân” vậy không có lý do gì để né tránh quyền biểu tình của người dân. Một chính quyền thực sự trong sạch, vì dân thì tự thân nó sẽ đứng vững trong lòng dân, không có chỗ cho những phần tử xấu kích động, phá hoại. Việc có một khung khổ pháp lý cho hoạt động biểu tình cũng giúp chính quyền kiểm soát hoạt động này, bảo đảm quyền của công dân được thục thi đầy đủ và loại bỏ được những nguy cơ đối với an ninh xã hội.

Lòng yêu nước cần được thể hiện một cách văn minh, có hiểu biết

Truyền thống yêu nước là tài sản quý báu, vô giá của dân tộc Việt Nam. Nhưng truyền thống đó chỉ biến thành sức mạnh khi dân tộc này đoàn kết. Một Việt Nam chia rẽ, rối loạn, yếu ớt là điều mà nhiều thế lực bên ngoài mong muốn.  Hành vi bạo lực, quá khích dưới mọi hình thức không thể là biểu hiện của lòng yêu nước chân chính. Việc nhân danh lòng yêu nước để cổ súy, kích động bạo lực, phá hoại là điều không thể chấp nhận và đáng bị lên án. Dân chủ chỉ có ý nghĩa khi người dân tự ý thức được giá trị các quyền cơ bản của mình và sử dụng nó đúng lúc, đúng cách, có hiểu biết và trên tinh thần xây dựng. Chúng ta tuyệt đối không để tình cảm yêu nước bị lợi dụng, không vì một phút nóng giận mà bị kích động dẫn đến mù quáng, không phân biệt rõ phải - trái - tốt xấu, làm lợi cho kẻ thù.

Việt Cường
Nhà quan sát độc lập tại TP. Hồ Chí Minh 

Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com