Toggle navigation
Chưa có luật biểu tình- Chính quyền phải chịu trách nhiệm khi chưa thực thi hiến pháp?
13/06/2018 | 08:46 GMT+7
Chia sẻ :
Là thành viên của Liên Hiệp Quốc, Hiến Pháp của Việt Nam năm 1959, 1980, 1992 và gần nhất là Hiến Pháp 2013 cùng quy định mọi công dân Việt Nam đều có quyền tự do ngôn luận, biểu tình và hội họp. 
Biểu Tình là quyền con người

Hiến pháp năm 1946 của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa quy định mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và hội họp.

Quyền cơ bản của con người là nền tảng của tự do, hòa bình và công lý. Khi các quyền cơ bản không được tôn trọng, con người bị dồn ép sẽ phải nổi dậy chống áp bức. Xây dựng một thế giới tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, giải thoát khỏi sự sợ hãi là nguyện vọng của loài người. Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc công bố năm 1948 đã nêu rõ các nội dung này. Tất cả các nước thành viên của Liên Hiệp Quốc đều cam kết tôn trọng và thực thi trên toàn cầu các quyền cơ bản của con người.

Điều 19 của Bản tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền nêu rõ “Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ quan điểm. Quyền này bao gồm không thể bị ai can thiệp vào quan điểm của mình, quyền tự do tìm kiếm, thu nhận, phổ biến tin tức và quan điểm của mình qua mọi phương tiện truyền thông bất kể biên giới”.

Là thành viên của Liên Hiệp Quốc, Hiến Pháp của Việt Nam năm 1959, 1980, 1992 và gần nhất là Hiến Pháp 2013 cùng quy định mọi công dân Việt Nam đều có quyền tự do ngôn luận, biểu tình và hội họp. Đây là những quyền cơ bản, phổ quát trên toàn cầu. Tuy nhiên, cho đến nay, người dân Việt Nam vẫn chưa thể thực hiện được quyền biểu tình của mình, với lý do chưa có Luật Biểu Tình. Lý giải này không phù hợp.

Biểu tình là việc người dân cùng nhau thể hiện quan điểm, ý chí của mình. Đó là quyền hiến định, quyền cơ bản, quyền này đương nhiên tồn tại mà không phụ thuộc vào việc Chính Quyền có ban hành luật hay không. Nếu Chính Quyền giải thích người dân không được biểu tình vì chưa có luật thì Chính Quyền phải chịu trách nhiệm khi không thực thi Hiến Pháp, không đảm bảo cho dân thực hiện quyền của mình. Các đại biểu Quốc Hội nhiều khóa qua phải chịu trách nhiệm khi quyền biểu tình của người dân không được thực hiện. Trong khi quyền biểu tình được Hiến Pháp quy định hàng chục năm qua không được thực thi, thì quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ ý kiến lại có nguy cơ bị cản trở nếu dự Luật An Ninh Mạng được thông qua.


Biểu tình là việc người dân cùng nhau thể hiện quan điểm, ý chí của mình.

Chính Quyền không nên né tránh quyền biểu tình của người dân, không nên e sợ ai đó “lợi dụng biểu tình nhằm mục đích xấu” để ngăn cản quyền biểu tình. Chính Quyền không nên vì một vài phần tử phá phách, vi phạm pháp luật mà coi tất cả những người biểu tình là kẻ xấu, ngăn cản quyền biểu tình chính đáng của tất cả dân chúng. Chính Quyền không nên đánh giá người dân quá thấp, cứ đi biểu tình là do bị “phần tử xấu kích động”. Quyền tự do bày tỏ ý kiến của người dân là các thử thách, cảnh báo để Chính Quyền, quan chức luôn hành động thận trọng. Những người dân sẵn sàng bày tỏ ý kiến là những người có trách nhiệm xã hội. Nếu Chính Quyền lắng nghe dân, đứng về phía dân, dám chịu trách nhiệm, thì quyền tự do của người dân (trong đó có quyền biểu tình) chỉ làm cho Chính Quyền mạnh hơn.

Tự do của người dân tự nó có thể không đem lại ngay lập tức sự hùng mạnh cho quốc gia. Nhưng sẽ không thể có được một quốc gia hùng mạnh nếu ở đó người dân không có đủ các quyền cơ bản của mình.

Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com