Toggle navigation
Đặc khu và trách nhiệm giải trình
06/06/2018 | 09:45 GMT+7
Chia sẻ :
Tại kỳ họp đang diễn ra, dự kiến Quốc Hội sẽ thông qua 2 dự thảo luật gây nhiều tranh cãi: Luật Đặc Khu và Luật An Ninh Mạng
Các tín hiệu đáng mừng

Dự thảo Luật Đặc Khu dự kiến thành lập 3 khu vực kinh tế đặc biệt tại Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc với những ưu đãi vượt trội về thuế suất, chính sách và đặc biệt là thời gian thuê đất lên đến 99 năm. Casino sẽ xuất hiện ở các đặc khu, người Việt có thể chơi, trong khi những ngành tạo ra giá trị gia tăng cao như công nghệ, tài chính … thì chưa thấy có triển vọng rõ ràng. Theo thuyết trình, 3 đặc khu này sẽ là những “thử nghiệm” về bộ máy, cơ chế quản lý và chính sách cho phát triển. Số tiền đầu tư vào các đặc khu dự kiến lên đến 1 triệu tỷ đồng. Như vậy, đây sẽ là cuộc “thử nghiệm” cực kỳ tốn kém.

Dự thảo Luật Đặc Khu dự kiến thành lập 3 khu vực kinh tế đặc biệt tại Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc

Ở một lĩnh vực khác, dự thảo Luật An Ninh Mạng đưa ra nhiều quy định về nghĩa vụ của người cung cấp dịch vụ, người sử dụng trên không gian mạng, đồng thời trao nhiều quyền cho cơ quan quản lý Nhà nước can thiệp vào việc cung cấp dịch vụ, sử dụng không gian mạng. Cơ quan Nhà nước sẽ được quyền “phán xử” các thông tin được đưa trên không gian mạng là xấu hay tốt để áp dụng các biện pháp xử lý.

Tín hiệu đáng mừng là 2 dự thảo luật trên nhận được rất nhiều ý kiến phản biện, thể hiện sự lo ngại của giới trí thức, chuyên môn trong nước cũng như nước ngoài. Điều đó thể hiện ngày càng có nhiều người Việt lo lắng, có trách nhiệm với những vấn đề lớn của quốc gia và sẵn sàng bày tỏ chính kiến của mình.

Vấn đề cơ bản nhất là có nên thành lập các đặc khu hay không, chúng có đem lại hiệu quả chung về tổng thể cho toàn bộ nền kinh tế hay chỉ đem lại sự tăng trưởng cục bộ cho 3 khu vực được đầu tư. Cho dù sẽ huy động nhiều nguồn vốn đầu tư vào đặc khu, nhưng chắc chắn ngân sách đầu tư công và nguồn lực đầu tư của toàn xã hội sẽ bị chia sẻ với các đặc khu, khi đó, sự tăng trưởng của các vùng khác sẽ giảm đi. Nhân sự quản lý các đặc khu không có, các chính sách thu hút các ngành nghề tạo nên giá trị gia tăng vượt trội không rõ, các cơ chế quản lý không rõ, vậy các đặc khu có thể trở thành các “cực tăng trưởng” trong suốt 99 năm hay chỉ tạo sự tăng trưởng trong ngắn hạn bởi dòng vốn đầu tư ban đầu. Ví dụ về sự thành công của khu kinh tế đặc biệt Thâm Quyến (Trung Quốc) được đưa ra là không thuyết phục, vì Thâm Quyến hình thành từ những năm 1980, trong bối cảnh Trung Quốc và thế giới hoàn toàn khác. Tuy nhiên, hiện vấn đề được nêu nhiều nhất, đem lại sự lo ngại lớn nhất là thời gian cho thuê đất lên đến 99 năm có nguy cơ sẽ biến các đặc khu thành khu vực của người Trung Quốc, gây ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng.

Các ý kiến lo ngại về Luật An Ninh Mạng nêu dự thảo luật này có nguy cơ cản trở việc tiếp cận Internet, trao nhiều quyền cho cơ quan quản lý can thiệp vào việc sử dụng Internet, vào việc bày tỏ ý kiến của người dân. Giáo sư Đặng Hữu, nguyên Bộ Trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã cùng với một số nguyên lãnh đạo Bộ, ngành như ông Chu Hảo, ông Mai Liêm Trực, ông Nguyễn Khánh Toàn … gửi thư tới Quốc Hội nêu rõ dự thảo Luật An Ninh Mạng có thể kéo lùi sự phát triển của Internet, ảnh hưởng đến quyền dân sự, chính trị của người dân, đem lại các rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp.


Dự thảo Luật An Ninh Mạng đưa ra nhiều quy định về nghĩa vụ của người cung cấp dịch vụ, người sử dụng trên không gian mạng

Trách nhiệm giải trình

“Trách nhiệm giải trình” là yêu cầu được đặt ra nhằm đảm bảo sự minh bạch trong tất cả các hệ thống quản lý, gồm cả hệ thống chính trị, hệ thống cơ quan Nhà nước. Trong mối quan hệ Nhà nước với dân chúng, đại biểu Quốc Hội với cử tri thì “trách nhiệm giải trình” của Nhà nước và đại biểu là công cụ để đảm bảo quyền làm chủ của dân chúng, đảm bảo dân chúng có quyền tham gia giám sát cơ quan Nhà nước. Trách nhiệm giải trình là phải báo cáo, giải thích, làm rõ các vấn đề đã hoặc sẽ được quyết định, các hậu quả và xác định được người chịu trách nhiệm về các hậu quả đã hoặc sẽ xảy ra.

Luật Đặc Khu chưa được thông qua, giá đất tại các khu vực này đã tăng gấp nhiều lần, đem lại lợi ích cho rất nhiều người. Đặc khu chưa được thành lập, đời sống kinh tế xã hội đã bị xáo trộn. Lợi ích của người này hôm nay có thể trở thành thiệt hại của người khác, của toàn xã hội trong tương lai.

Cơ quan soạn thảo cần phải có trách nhiệm giải trình cụ thể về dự thảo Luật Đặc Khu, Luật An Ninh Mạng. Việt Nam không thể đứng ngoài sự phát triển của thế giới, không thể không học hỏi, tham khảo kinh nghiệm của các nước về phát triển kinh tế, về đảm bảo các quyền dân sự, chính trị của dân chúng. Thiết nghĩ các đại biểu Quốc Hội chưa nên thông qua 2 luật này trong khi “trách nhiệm giải trình” chưa được làm rõ.

An Dân

Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com