Toggle navigation
Món nợ Gạc Ma với đời sau
26/08/2018 | 08:55 GMT+7
Chia sẻ :
Cuốn sách "Gạc Ma – Vòng tròn bất tử" do vị tướng Lê Mã Lương chủ biên kể về sự kiện Trung Quốc tiêu diệt 64 ngưới lính Việt Nam, bắn chìm 2 tàu của Hải Quân Việt Nam, chiếm đảo Gạc Ma của Việt Nam vào ngày 14/3/1988. Các nhân vật chính của cuốn sách là những người lính sống sót sau sự kiện này. Cho dù đã gây nên nhiều tranh cãi với những quan điểm trái ngược nhau, sau 30 năm, đây là lần đầu tiên sự kiện về Gạc Ma được công khai với nhiều chi tiết.

Hải quân Việt Nam điều lực lượng xây dựng công trình xác lập chủ quyền tại đảo Gạc Ma, Cô Lin thuộc quần đảo Trường Sa. Tại khu vực này thời điểm đó Trung Quốc thường xuyên đưa tàu khiêu khích và cũng tuyên bố đây là vùng thuộc chủ quyền của Trung Quốc.


Bìa sách  "Gạc Ma – Vòng tròn bất tử" 

Đe dọa, ngăn cản hải quân Việt Nam xây dựng, cắm cờ trên đảo Gạc Ma không có kết quả, Trung Quốc đã bắn thẳng vào những người lính ở trên đảo, bắn chìm tàu của hải quân Việt Nam. Hải quân Việt Nam chỉ được trang bị vũ khí bộ binh phòng vệ đã phải hứng chịu sự tấn công mang tính hủy diệt bằng đạn pháo của phía Trung Quốc. Tổng cộng có 64 người lính Việt Nam hy sinh. Có 9 người bị Trung Quốc bắt giữ, hơn 3 năm sau, năm 1991, Trung Quốc mới trao trả cho phía Việt Nam. Trong suốt thời gian này, phía Việt Nam không có bất cứ tin tức gì và xác định những người này đã hy sinh. Trong số 56 người lính hy sinh cùng con tàu HQ 604 bị bắn chìm, chỉ có 8 người được đưa hài cốt về với gia đình, còn lại tất cả vẫn nằm dưới biển. Cho đến nay, con tàu bị chìm vẫn nằm dưới biển trong khu vực bị Trung Quốc kiểm soát. Đảo Gạc Ma đã bị Trung Quốc chiếm và xây dựng các công trình quân sự đồ sộ trên đảo.

Các câu chuyện trong cuốn sách cho thấy những lính và tàu của hải quân Việt Nam không hề chuẩn bị cho va chạm quân sự, cho việc chống trả lại sự tấn công của phía Trung Quốc. Không chỉ chênh lệch về vũ khí, cuốn sách cũng cho thấy những người lính Việt Nam được lệnh « không được nổ súng trước ». Không chỉ mất đến nhiều năm trời mới có thể cho ra đời được cuốn sách, sau khi cuốn sách được xuất bản, đã có những ý kiến chỉ trích rất căng thẳng với tướng Lê Mã Lương và những người tham gia xuất bản cuốn sách.

Cho dù sự thật như thế nào, thì cuốn sách cũng đã đặt ra một món nợ của người đi trước với các thế hệ sau, đó là các câu hỏi cần được giải đáp :
1. Tại sao Việt Nam không chuẩn bị phương án sử dụng vũ lực để bảo vệ chủ quyền ?

2. Hải quân Việt Nam được lệnh không nổ súng trước, nhưng khi Trung Quốc nổ súng, dùng đạn pháo tấn công, chiếm lãnh thổ Việt Nam, tại sao Việt Nam không điều lực lượng không quân, hải quân ra tự vệ và chiếm lại đảo Gạc Ma ?

3. Nếu không thể dùng vũ lực để chiếm lại, tại sao Việt Nam không kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế ?

4. Tại sao Việt Nam không lên án Trung Quốc và cùng những người lính bị giam giữ suốt hơn 3 năm kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế vì đã giam giữ trái phép 9 người lính Hải quân Việt Nam mà không hề có bất cứ thông báo nào cho Nhà nước Việt Nam, cho gia đình của họ ?

5. Tại sao Việt Nam không đấu tranh để buộc Trung Quốc cho trục vớt tàu đắm HQ 604 để tìm thi thể của những người lính Hải quân còn dưới đáy biển ?
6. Nếu Trung Quốc tiếp tục dùng vũ lực để xâm chiếm các đảo khác, kiểm soát các vùng biển khác của Việt Nam, thì Việt Nam sẽ làm gì ?

7. Tại sao suốt nhiều năm qua, sự kiện Gạc Ma không được công bố cho dân chúng, thậm chí không được đưa vào trong sách giáo khoa ? Học sinh và thanh niên Việt Nam ngày nay hầu như không có thông tin, không biết gì về sự kiện này. Tại sao chỉ đến khi cuốn sách được xuất bản thì mới nhận được các ý kiến phản đối, trong khi nhiều người có ý kiến phản đối đã không có ý kiến gì về sự kiện này trước đó ?

Chỉ khi các sự kiện, các bài học lịch sử được làm rõ, các thế hệ sau của dân tộc Việt Nam mới có thể xác định được các bài học, nguy cơ với đất nước, với dân tộc để bảo vệ được chủ quyền của đất nước.

Vglobalnews
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com