Toggle navigation
Quan hệ Việt – Trung duy trì xu thế ổn định, tích cực
27/10/2022 | 11:30 GMT+7
Chia sẻ :
Về tổng thể, quan hệ Việt - Trung duy trì xu thế ổn định và tích cực trong những năm qua. Lãnh đạo hai bên đạt được nhiều nhận thức chung quan trọng, góp phần đưa quan hệ song phương lên tầm cao mới.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Trung Quốc, tháng 1/2017. (Ảnh: TTXVN)

Ban Đối ngoại Trung ương Đảng cho biết, về hợp tác trên kênh Đảng, hai bên duy trì tiếp xúc cấp cao và thiết lập cơ chế hợp tác, giao lưu giữa các Ban Đảng ở trung ương. Dù điều kiện đi lại giữa hai bên còn khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hai bên vẫn duy trì kênh trao đổi thường xuyên bằng nhiều hình thức linh hoạt, đạt hiệu quả cao.

Từ năm 2020-2022, Tổng Bí thư hai Đảng 4 lần điện đàm (tháng 1/2020, 9/2020, 2/2021, 9/2021). Hằng năm, hai Tổng Bí thư gửi quà và thư chúc mừng nhân dịp Tết cổ truyền của hai dân tộc và nhân dịp sinh nhật của nhau; gửi thư chúc mừng nhân dịp lễ quan trọng của hai nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 30/10 - 2/11/2022, theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc điện đàm với Chủ tịch nước Tập Cận Bình (5/2021); Thủ tướng Chính phủ hai bên 3 lần điện đàm (6/2021, 1/2022 và 9/2022); Chủ tịch Quốc hội hội đàm trực tuyến với Ủy viên trưởng Nhân đại (6/2021).

Những hoạt động này góp phần định hướng chiến lược, tạo động lực và đảm bảo chính trị cho quan hệ song phương phát triển lành mạnh, ổn định. Tại các sự kiện chính trị quan trọng của hai Đảng, đặc biệt là dịp Đại hội XIII của Đảng ta và dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (năm 2021), hai bên đều có những hình thức chúc mừng đặc biệt, thể hiện sự coi trọng cao độ đối với quan hệ Việt - Trung. Lãnh đạo các ban Đảng ở Trung ương cũng duy trì trao đổi, tiếp xúc thường xuyên dưới nhiều hình thức linh hoạt.

Hai bên thường xuyên phối hợp tổ chức Hội thảo lý luận giữa hai Đảng, nhằm trao đổi kinh nghiệm và thực tiễn về công tác xây dựng Đảng, quản lý đất nước, tính đến nay, hai bên đã tổ chức được 16 cuộc hội thảo lý luận.

Hợp tác trên kênh Nhà nước tiếp tục được thúc đẩy hiệu quả, thực chất. Quan hệ giữa các ngành như ngoại giao, quốc phòng, an ninh tiếp tục được tăng cường.

Hai bên đã thành lập Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc (11/2006), đến nay đã tiến hành 14 phiên họp, đạt nhiều hiệu quả thiết thực, hai phiên gần đây nhất, hai bên đã khắc phục khó khăn do dịch bệnh, tổ chức thành công theo hình thức trực tiếp tại Hà Nội (9/2021) và Nam Ninh (7/2022).

Giao lưu nhân dân, đặc biệt là giao lưu giữa thế hệ trẻ hai nước Việt Nam-Trung Quốc, ngày càng đi vào thực chất, giúp tăng cường hiểu biết lẫn nhau, tăng cường tình hữu nghị giữa hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước.

Đến nay, hai bên đã tổ chức 3 cuộc Liên hoan Thanh niên Việt – Trung; tổ chức được 19 cuộc “Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt Nam– Trung Quốc” bằng hình thức trực tiếp. Năm 2021 và 2022, hai bên đã tổ chức giao lưu, gặp gỡ hữu nghị thanh niên hai nước bằng hình thức trực tuyến; và nhiều hoạt động giao lưu, hợp tác thanh niên giữa các địa phương hai nước, nhất là các địa phương biên giới.

Ngoài ra, hai bên cũng tổ chức nhiều hoạt động giao lưu khác như Liên hoan nhân dân biên giới Việt – Trung, Diễn đàn nhân dân Việt – Trung, Giao lưu hữu nghị giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc... Các hoạt động này đã góp phần củng cố nền tảng hữu nghị vững chắc cho quan hệ Việt Nam-Trung Quốc tiếp tục phát triển lành mạnh, ổn định.

Quan hệ giữa các địa phương của hai nước, nhất là các tỉnh/khu biên giới, được tăng cường với nhiều hình thức đa dạng và có nhiều tiến triển tích cực. Gặp gỡ đầu xuân giữa Bí thư các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang và Quảng Ninh (Việt Nam) với Bí thư Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) được tổ chức luân phiên hằng năm (đến nay đã tổ chức được 7 cuộc); Hội nghị trực tuyến giữa Bí thư các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai với Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam đã tổ chức được 2 cuộc.

Các hoạt động này góp phần tăng cường tình hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc nói chung và các tỉnh/khu biên giới nói riêng, thúc đẩy giải quyết những khó khăn, vướng mắc, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển.

Hợp tác trên các diễn đàn đa phương tiếp tục được tăng cường. Trung Quốc cảm ơn và đánh giá cao việc ta ủng hộ Trung Quốc trong các vấn đề Đài Loan, Hồng Công, Tân Cương tại Liên Hợp Quốc; mong muốn ta tăng cường hợp tác hơn nữa trong khuôn khổ Mekong – Lan Thương.

Kinh tế, thương mại, đầu tư tăng trưởng mạnh

Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Trung Quốc duy trì đà tăng trưởng tốt trong bối cảnh dịch bệnh tác động tiêu cực đến thương mại của hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Việt Nam liên tục là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN (từ 2016), nước đối tác thương mại lớn thứ 6 trên thế giới (từ 2020) của Trung Quốc.

Năm 2021, tổng kim ngạch thương mại Việt Nam - Trung Quốc đạt 165,9 tỷ USD, tăng 24,6% so với năm 2020 (theo số liệu của Trung Quốc là 230,2 tỷ USD, tăng 19,7% và chiếm 1/4 tổng kim ngạch thương mại Trung Quốc - ASEAN).

Trong 8 tháng năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt - Trung đạt 117,4 tỷ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Hợp tác y tế, đặc biệt là phòng chống dịch bệnh COVID-19 là một điểm sáng trong quan hệ hai nước. Trung Quốc là một trong những nước cung cấp vắc xin nhiều và nhanh nhất cho Việt Nam

Về đầu tư, lũy kế đến 20/8/2022, Trung Quốc đứng thứ 6/139 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư FDI vào Việt Nam với 3.453 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt 22,42 tỷ USD.

Riêng 8 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc đứng thứ 4/94 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 143 dự án, tổng vốn đạt 1,4 tỷ USD.

Hợp tác y tế, đặc biệt là phòng chống dịch bệnh COVID-19 là một điểm sáng trong quan hệ hai nước.

Trung Quốc là một trong những nước cung cấp vắc xin nhiều và nhanh nhất cho Việt Nam. Đến cuối năm 2021, Trung Quốc đã viện trợ cho ta 7,3 triệu liều và cung cấp thương mại khoảng 45 triệu liều vắc xin.

Tại Phiên họp lần thứ 14 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương vào tháng 7/2022 vừa qua, Trung Quốc thông báo sẽ viện trợ thêm cho Việt Nam 10 triệu liều vắc-xin.

Các địa phương Trung Quốc (Quảng Tây, Vân Nam, Quảng Đông...) cũng ủng hộ lượng lớn vật tư y tế cho các địa phương Việt Nam.

Trung Quốc bày tỏ nếu ta có nhu cầu, sẵn sàng ưu tiên đáp ứng tối đa trong khả năng có thể, bao gồm hợp tác về cung ứng và sản xuất vắc xin, thuốc điều trị COVID-19, xây dựng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, cơ sở điều trị.

Vừa qua, thông qua kênh Đảng, Trung Quốc tặng ta lô vật tư y tế trị giá 1,5 triệu Nhân dân tệ (khoảng 5,4 tỷ đồng).

Biên giới lãnh thổ

Tình hình biên giới trên đất liền và Vịnh Bắc Bộ cơ bản ổn định. Hợp tác ở Vịnh Bắc Bộ diễn ra khá thường xuyên, như tuần tra liên hợp nghề cá, tuần tra chung hải quân, thả cá giống bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở Vịnh Bắc Bộ...

Hai bên tiếp tục triển khai các vòng đàm phán cấp Chính phủ và cấp chuyên viên theo các cơ chế đã thỏa thuận.

Tình hình Biển Đông, Việt Nam và Trung Quốc duy trì trao đổi, đàm phán ở các cấp về vấn đề trên biển, đạt tiến triển nhất định trong lĩnh vực hợp tác ít nhạy cảm.

Hai bên ký Thỏa thuận hợp tác về Dự án nghiên cứu so sánh môi trường địa chất và tai biến địa chất khu vực châu thổ sông Hồng và châu thổ sông Trường Giang và cam kết tiếp tục thúc đẩy, sớm đạt nhất trí đối với Thỏa thuận hợp tác tìm kiếm cứu nạn và Thỏa thuận về việc thiết lập đường dây nóng về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển Việt Nam - Trung Quốc.

Theo Bình Giang
Tiền Phong
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com