Toggle navigation
So sánh du lịch Việt với các nước Đông Nam Á
16/07/2023 | 04:19 GMT+7
Chia sẻ :
Việt Nam có đủ yếu tố hút khách du lịch như văn hóa, thiên nhiên, ẩm thực, nhưng xếp hạng trung bình trong khu vực về lượng khách quốc tế và doanh thu.
Xét về lượng khách và doanh thu khách quốc tế trong 10 năm (2010-2019) khi số liệu thống kê đầy đủ và du lịch không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Việt Nam tăng trưởng dần đều. Năm 2010, khách quốc tế đạt hơn 5,1 triệu lượt. Sau 10 năm lượng khách quốc tế tăng gấp 3,5 lần với 18 triệu lượt vào 2019, cao nhất từ trước đến nay, theo dữ liệu của Tổng cục Du lịch và World Tourism Organization, cơ quan nghiên cứu và thúc đẩy du lịch của Liên Hợp Quốc.



Doanh thu du lịch từ khách quốc tế tăng từ 4,4 tỷ USD vào năm 2010 lên gần 18 tỷ USD. Mức chi tiêu trung bình một khách quốc tế năm 2010 đạt hơn 880 USD. Năm 2019, con số là 1.200 USD.



So với 10 nước Đông Nam Á (không gồm Đông Timor), lượng khách và doanh thu du lịch trong 10 năm của Việt Nam đứng thứ năm, mức trung bình, sau Thái Lan, Malaysia, Singapore và Indonesia. Về mức chi tiêu trung bình của khách quốc tế trong nhiều năm liền Việt Nam đứng thứ sáu, trên Lào, Campuchia, Brunei và Myanmar. Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, năm 2019, Việt Nam vươn lên vị trí thứ ba, sau Thái Lan và Malaysia. Trước đó, chi tiêu trung bình trong một kỳ nghỉ của khách quốc tế ở Thái Lan năm 2010 đã đạt gần 1.500 USD, năm 2019 là 2.400 USD.

Khách quốc tế đến Singapore trung bình chi tiêu mỗi năm từ 1.000 đến 1.300 USD, Malaysia dao động 800 - 850 USD, Indonesia từ hơn 1.000 đến 1.200 USD, Philippines từ gần 980 đến gần 1.400 USD.



Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB), nói Việt Nam có thể đạt mục tiêu vươn lên top 3 trong khu vực về mọi mặt. Nhưng nếu để soán ngôi vương của Thái Lan, Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Hồng Long, trưởng khoa Du lịch học, Đại học KHXH&NV, đánh giá "có thể cần 20 năm hoặc lâu hơn nữa dù du lịch Việt Nam đang phát triển nhanh".

So sánh với quán quân Đông Nam Á, lượng khách và doanh thu của Việt Nam trong năm cao nhất (2019) thấp hơn chỉ số Thái Lan đạt được cách đây 9 năm. Năm 2011, Thái Lan đón 16 triệu lượt khách, doanh thu đạt 30,9 tỷ USD. Năm 2019, Thái Lan đón 39,9 triệu lượt, thu về hơn 64,3 tỷ USD.

Năm cao nhất của Việt Nam vẫn thấp hơn năm thấp nhất của Malayisa là 2010 (24,5 triệu lượt khách, 19,6 tỷ USD). Tuy nhiên chỉ số phát triển về du lịch của Malaysia trong 10 năm có dấu hiệu "giậm chân tại chỗ". Năm Malaysia đón khách đông nhất là 2019, với hơn 26 triệu lượt khách, tăng gần 10% so với năm thấp nhất.



Về doanh thu khách quốc tế trên GDP, trong 10 năm Việt Nam cũng có mức tăng trưởng dần đều, từ 3,2% năm 2010 lên 5,32% năm 2019. 2019 cũng là năm ngành du lịch Việt có doanh thu từ khách quốc tế trên GDP cao nhất trong 10 năm trước dịch, đứng thứ tư trong Đông Nam Á. Những năm còn lại, Việt Nam thường nằm top 5 hoặc 6. Campuchia, Thái Lan là hai quốc gia giữ vị trí số một và hai trong 10 năm liên tiếp khi doanh thu khách quốc tế trên GDP đạt hai chữ số. Thái Lan dao động 6,98-12,11%, Singapore 5,35-6,42%, Indonesia 1,01% - 1,64% còn Malaysia khoảng 6,08-7,69%.

Để vươn lên top hai, ba trong khu vực và thậm chí là top đầu, du lịch Việt Nam cần phát huy các thế mạnh cũng như khắc phục điểm yếu, theo các chuyên gia du lịch.

Báo cáo chỉ số năng lực phát triển du lịch toàn cầu năm 2021 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) phát hành hồi tháng 5/2022 xếp du lịch Việt Nam đứng thứ 52 trên 117 nền kinh tế. Nếu xét trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng sau bốn nước Singapore (9), Indonesia (32), Thái Lan (36), Malaysia (38). WEF không xếp hạng Myanmar, Timo Leste và Brunei.



WEF xếp hạng 117 nền kinh tế trên cơ sở đo lường 17 chỉ số trụ cột. Việt Nam có 6 chỉ số trụ cột được xếp vào nhóm dẫn đầu thế giới. Một trong số đó là Sức cạnh tranh về giá (hạng 15), sau Lào (14) và Malaysia (2) ở Đông Nam Á. Tài nguyên văn hóa đứng thứ 25, chỉ sau Indonesia (thứ 3) ở khu vực. Về chỉ số an ninh, an toàn, Việt Nam đứng thứ 33, tăng 16 bậc so 2019, xếp sau Singapore (thứ nhất) trong Đông Nam Á.

Việt Nam đứng thứ 94 trong chỉ số Tính bền vững của môi trường, tụt hai bậc so 2019 và chỉ cao hơn hai quốc gia trong khu vực là Philippines (95) và Thái Lan (97). Về Sự ưu tiên của chính phủ dành cho du lịch, Việt Nam đứng thứ 87, giảm ba bậc so với 2019, cao hơn Thái Lan (88) và thấp hơn các nước khác trong khu vực.

Về Độ mở đối với quốc tế (đánh giá dựa trên chính sách thị thực), Việt Nam đứng thứ 69 trên 117 quốc gia, tăng sáu bậc so 2019 nhưng chỉ hơn Philippines (71) và Lào (84) tại Đông Nam Á.



"Nếu xét về tài nguyên để hút khách, Indonesia được đánh giá cao nhất khu vực. Nhưng Thái Lan, Singapore mới là quốc gia đông khách nhất. Điều đó cho thấy chúng ta cần phải xem xét lại chiến dịch quảng bá phù hợp", ông Chính nói.

Thị thực cũng là vấn đề cần cải thiện. Trưởng ban Thư ký TAB cho rằng ngoài kéo dài thời gian thị thực, Việt Nam cần tăng thêm số nước miễn thị thực và mở rộng danh sách các nước được áp dụng thị thực điện tử. Hiện Việt Nam mới miễn thị thực cho hơn 20 nước và áp dụng thị thực điện tử với hơn 80 nước. Trong khi đó, Thái Lan miễn cho 67 nước, Malayisa và Singapore là 150 nước.

Khách quốc tế đến Hội An hồi đầu tháng 5. Ảnh: Đắc Thành
Khách quốc tế đến Hội An hồi đầu tháng 5. Ảnh: Đắc Thành

Quản lý điểm đến cũng là một yếu tố. Sẽ không ai muốn đến một nơi ô nhiễm, đầy rác thải hoặc chặt chém, chèo kéo. "Nếu đến chợ Đồng Xuân hỏi món nọ món kia mà không mua, nhiều người sẽ sợ bị chủ hàng chửi. Tại Thái Lan không có chuyện đó. Người bán hàng đều rất vui vẻ", ông Phạm Hồng Long nói.

Chuyên gia cho rằng Việt Nam cũng cần định vị thương hiệu quốc gia. "Ngành du lịch cần tìm ra cái mạnh nhất, độc đáo nhất để định vị trong tâm trí khách hàng thay vì nói chung chung. Nếu chỉ bảo: đất nước chúng tôi đẹp lắm, hãy đến đi thì sẽ chẳng ai đến", theo ông Phạm Hà, CEO Lux Group.

Theo Phương Anh
Vnexpress
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com