Toggle navigation
Quá trình hình thành xã hội người Việt ở Thái Lan
15/02/2021 | 08:39 GMT+7
Chia sẻ :
Người Việt Nam sang Thái Lan làm ăn, tính đến nay đã có hơn hai trăm năm. Căn cứ vào điều kiện lịch sử và nguyên nhân cư trú khác nhau, có thể chia làm ba lớp: Người Việt Nam cũ, Người Việt Nam nhập cư, Người Việt Nam lánh nạn chiến tranh
1. Người Việt Nam cũ

Từ thế kỷ 17 đã có một vài sự quan hệ giữa người Việt Nam với người Xiêm. Có lúc thuyền buôn Xiêm đến cửa biển miền Nam Việt Nam. Có lúc người Việt Nam qua buôn bán ở Xiêm.

Trong nhiều năm, sứ thần của chúa Nguyễn ở miền Nam Việt Nam và sứ thần của Vua chúa Xiêm thường đi lại với nhau, vì hai bên đều có quyền lợi ở vùng đất Chân Lạp và đất Lào. Khi thì vua chúa hai nước xung đột, tranh đấu nhau, khi thì hòa hiếu với nhau.

Đến cuối thế kỷ 18 và trong thế kỷ 19 mới bắt đầu có những đợt người Xiêm sang cư trú ở đất Xiêm.

Cuối thế kỷ 18, Nguyễn Ánh bị phong trào khởi nghĩa Tây Sơn đánh bại, chạy ra đảo Phú Quốc rồi phiêu bạt sang nước Xiêm, cầu cứu vua Xiêm giúp sức để giành lại ngai vàng. Khi tới Xiêm, Nguyễn Ánh mang theo nhiều thủ hạ, lính tráng. Nhưng khi Nguyễn Ánh trở về nước thì nhiều người trong đám thủ hạ, binh lính của ông ta ở lại nước Xiêm; có thể vì họ bị chúa Nguyễn bỏ rơi, hoặc bản thân họ đã mất lòng tin ở người lãnh chúa phong kiến của mình. Họ trở thành những kiều dân Việt Nam đầu tiên trên đất Xiêm. Số Việt kiều này sống tập trung ở vùng Xảm–Xén, trong thủ đô Băng–cốc.

Trong những năm 1840 – 1870, ở Việt Nam có việc “sát tả bình Tây” do mấy ông vua mù quáng triều đình nhà Nguyễn gây nên. Các cố đạo phương Tây đã nhân việc này dụ dỗ hàng loạt bà con giáo dân Việt Nam bỏ đất nước, chạy sang Xiêm cư trú. Những bà con Việt kiều này sống ở ba vùng chính: Vùng thứ nhất là tỉnh Chăn–ta–bun ở phía Nam Thái Lan. Vùng thứ hai ở khu Đông Bắc Thái Lan, gồm có mấy nơi như Bản Thà–Rè trong tỉnh Xa–côn Na–Khon, Bản Noỏng–xẻng trong tỉnh Na–khon Pha–nôm và Bản Thà trong tỉnh U–bôn. Vùng thứ ba ở phía Bắc Thái Lan, có Bản Thè trong tỉnh Xiêng–Mày.

Nhân dân Thái thường gọi chung những người Việt Nam sang cư trú ở Xiêm trong hai đợt di cư nói trên là “Duôn càu” nghĩa là “người Việt Nam cũ”.

Nhà thờ chính tòa Chanthaburi lớn nhất Thái Lan, thành lập bởi cộng đoàn gốc Việt tới đây từ đầu thế kỷ 18.

Phần lớn bà con Việt Nam cũ theo đạo Thiên chúa, vào quốc tịch Xiêm. Nhiều người lấy vợ, lấy chồng trong nhân dân Xiêm, đã có cháu nhiều đời. Nhiều gia đình đã hoàn toàn “Thái hóa” cả về ngôn ngữ cũng như phong tục tập quán. Một số người làm quan chức Xiêm. Trước năm 1930, lớp người Việt Nam cũ có khoảng một vạn người.

Tuy đã sống ở đất Xiêm nhiều đời, không ít bà con Việt Nam cũ vẫn còn nhớ đến nguồn gốc dân tộc mình. Một số người còn nói được tiếng Việt, giữ lại ít nhiều phong tục tập quán Việt Nam, và có cảm tình với các phong trào giải phóng đồng bào trong nước. Cũng như một số các bậc cha ông trước kia đã từng giúp đỡ phong trào Đông Du và Việt Nam Quang phục Hội của Phan Bội Châu, một số ít con cháu của họ sau này nhất là ở Noỏng–Xẻng và Thà–Rè đã qua nhập Hội Thân Ái và sau này hội Việt kiều cứu quốc, chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Họ đã chịu khó học tiếng Việt, chữ Việt. Cũng có người đã thành cán bộ của Hội Việt kiều cứu quốc ở cơ sở.

2. Người Việt Nam nhập cư

Sau khi xâm chiếm xong Việt Nam, Campuchia và Lào, thực dân Pháp ký hiệp ước bất bình đẳng với Chính phủ hoàng gia Xiêm, quy định ranh giới giữa Xiêm và Đông Dương thuộc Pháp. Hiệp ước Pháp–Xiêm năm 1983 có điều khoản quy định: Những người thuộc quyền cai trị của Pháp ở Đông Dương được đi lại tự do vào khoảng 25 ki-lô-mét tính từ biên giới vào nội địa ở Xiêm, họ được bán hàng hóa mà không phải nộp thuế cho Chính phủ Xiêm.

Luật pháp nước Xiêm hồi này đối với ngoại kiều cũng khá rộng rãi: Người ngoại kiều chỉ cần đóng thuế hàng năm bốn Bạt (đồng tiền Xiêm) thì được tự do đi lại, làm ăn, mở cửa hiệu, lập xưởng thợ, khai hoang ruộng đất…

Hai điều quy định trên đây đã tạo ra sự thuận lợi cho người Việt Nam sang Thái Lan làm ăn mỗi ngày một đông. Những bà con Việt kiều này là nhân dân lao động nghèo khổ, bị đế quốc và phong kiến ở trong nước áp bức, bóc lột nặng nề, phải rời bỏ quê hương đi kiếm ăn. Có người từ trong nước sang thẳng đất Xiêm. Có người bắt đầu sang Campuchia hoặc sang Lào, nhưng vẫn không sống nổi dưới chế độ của thực dân Pháp, đành phải dấn thân đi thêm một bước nữa sang đất Thái Lan và trở thành Việt kiều Thái Lan. Những bà con nói trên đến đất Thái không thành một đợt nào hẳn hoi, nhưng kẻ trước, người sau đã tập hợp lại thành một xã hội Việt kiều. Họ đóng thuế mỗi năm bốn Bạt như người dân Pháp, nhưng vẫn giữ quốc tịch Việt Nam.

Phần đông Việt kiều sang đất Thái Lan từ cuối thế kỷ 19 về sau đã tập trung ở vùng Đông Bắc Thái Lan, trên hữu ngạn sông Mê Kông, như Noong–Khai, U–Thên, Na–Khon, Mục–đa–hán, Thạt-Pha–nôm, U–bôn, v.v… Từ các tỉnh này, bà con đi dần vào nội địa, ở các vùng như Xa–côn, U– Đon, Khỏn–Kèn, Ca–la–xỉn, v.v…

Bà con Việt kiều làm nhiều nghề để sinh sống. Bà con nghề nông thường làm vườn quanh thị trấn. Nhiều người xin vỡ đất hoang, cùng nhau lập thành làng, xóm như Bản Mày, Bản Vặt Pà, Bản Bốc, Bản Tôn Phựng, v.v… Các làng Việt kiều được Chính phủ Xiêm cho phép bầu ra lý trưởng của mình.

Bà con làm nghề thủ công thường ở các thị trấn. Thợ may, thợ cắt tóc, thợ mộc, thợ nề, v.v… trong các thị trấn vùng Đông Bắc Thái Lan phần đông là người Việt Nam. Có những xưởng mốc của Việt kiều tập trung đến vài chục công nhân. Một số Việt kiều đứng ra làm nghề thầu khoán, có khi là tư nhân kinh doanh, cũng có khi do toàn thể cách mạng phân ra làm thầu khoán để kiếm công ăn việc làm cho kiều bào và để vận động công nhân. Họ nhận công việc xây dựng rồi gọi anh em công nhân Việt kiều cùng làm. Hàng trăm công sở chùa chiền, trường học, cầu cống trong thị trấn và trên các đường giao thông ở vùng Đông Bắc Thái Lan là do bàn tay công nhân Việt kiều làm nên.

Phụ nữ Việt kiều ở thị trấn thường làm nghề buôn bán nhỏ.

mong chua viet do chuong khap nuoc thai
Chùa Khánh An, một ngôi chùa Việt tại Udon Thani.

Với bản chất là người lao động cần cù, lương thiện, Việt kiều ở Thái Lan đã gây được thiện cảm tốt với nhân dân Thái, góp phần xây dựng tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt – Thái.

Số lượng người Việt Nam nhập cư ở Thái Lan từ cuối thế kỷ 19 đến trước năm 1930 lên tới khoảng hai vạn. Lớp Việt kiều đông đảo này là cơ sở thuận lợi cho các nhà hoạt động cách mạng ở trong nước bị thực dân Pháp truy nã, trốn tránh sang Xiêm để vận động phục quốc, hoặc tạm dừng chân ẩn náu rồi đi xa hơn nữa, sang Trung Quốc, Nhật Bản, để tìm phương cứu nước.

Mang sẵn các ách mất nước, sống trong cảnh tha phương, lại được ảnh hưởng của các phong trào cách mạng trong nước truyền qua ngày một mạnh mẽ, và đặc biệt là có những nhà cách mạng ở trong nước chạy qua, nhập khối làm nòng cốt, kiều bào nói chung có tinh thần yêu nước cao, là một lực lượng đáng tin cậy của cách mạng.

3. Người Việt Nam lánh nạn chiến tranh

Tháng 3 năm 1946, quân đội xâm lược Pháp dồn lực lượng đánh chiếm lần thứ hai toàn bộ nước Lào đã tuyên bố độc lập từ ngày 12 tháng 10 năm 1945. Cuối tháng 3 năm 1946, khi quân Pháp ồ ạt tiến quân lên các tỉnh Xa–vằn–na–khẹt, Thà–khẹc và Viêng Chăn, thì toàn thể Việt kiều ở các tỉnh này, khoảng năm vạn người đã tản cư sang đất Thái. Đến cuối năm 1946, khi Chính phủ Thái Lan phải trả lại vùng đất mà Phi–bun đã thôn tính của Lào và Campuchia từ hồi 1941, lại có nhiều Việt kiều từ Bát–tam–bang và Xiêm–Riệp thuộc Campuchia từ Chăm–pát–xắc và Xay–đa– bu–ri thuộc Lào di cư sang Thái Lan để tránh sự khủng bố của Pháp. Họ trở thành Việt kiều Thái Lan.

Nhân dân Thái cũng như Chính phủ Thái Lan gọi lớp Việt kiều tản cư này là “Người Việt Nam lãnh nạn chiến tranh”. Bản thân Việt kiều cũng tự nhận lấy danh hiệu này để được hưởng chế độ ưu đãi với kiều dân lánh nạn chiến tranh trên đất Thái.

Xét về nguồn gốc thì lớp Việt kiều ở Lào và Campuchia tản cư sang Thái Lan phần lớn là nhân dân lao động, công chức, tiểu thương. Đông đảo nhất là Việt kiều ở Lào. Trong đó hàng ngàn người trước kia là phu đắp đường chiến lược từ Việt Nam sang Lào. Hàng ngàn anh chị em công nhân ở mỏ chì Phong–Chiu, Bò–Nèng, thuộc tỉnh Khăm–Muộn, công nhân xưởng dệt Ca–pha và hãng tàu thủy Man–pết (Viêng Chăn), công nhân nhà máy đèn, nhà máy rượu và công nhân thủ đô ở các thị trấn. Một số là binh lính, một số là công chức do thực dân Pháp đưa từ Việt Nam sang Lào để xây dựng bộ máy thống trị của chúng. Trong số binh lính, công chức này, nhiều người bị lép vế, hoặc bị kỷ luật ở Việt Nam nên phải đổi sang Lào. Nhiều người trong số vợ con binh lính, công chức là tiểu thương.

Nạn đói năm 1945 do Nhật, Pháp gây nên ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ Việt Nam cũng đẩy một số đồng bào ta từ Nghệ Tĩnh theo đường số 8 sang tỉnh Thà–Khẹc, và từ Quảng Bình, Quảng Trị theo đường số 9 sang tỉnh Xa–vằn–na–khẹt. Họ gánh gồng, dắt díu nhau qua Lào; dọc đường chết chóc khá nhiều; những người sống sót lần mò được đến các thị trấn dọc sông Mê Kông, hoặc ở lại chung sống với nhân dân Lào trong một số làng bản tương đối gần đô thị.

Đa số Việt kiều ở Lào sẵn có lòng căm thù với đế quốc và phong kiến Việt Nam. Khi cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam thành công thì Việt kiều ở Lào cũng đoàn kết trong Hội Việt kiều cứu quốc, vùng lên làm cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà tổ chức cơ sở đã có từ Thái Lan truyền sang Lào. Năm 1945, Việt kiều Lào – Thái góp phần quan trọng với nhân dân Lào giành lại nền độc lập của nước Lào. Đến khi thực dân Pháp ồ ạt tiến công chiếm lại đất Lào, thì tất cả Việt kiều không luyến tiếc nhà cửa, ruộng vườn, xây đắp bằng mồ hôi, nước mắt trong bao nhiêu năm, nhiều người ra đi tay không sang đất Thái, trở thành Việt kiều Thái Lan. Mối thù của bà con Việt kiều đối với thực dân Pháp càng thêm sâu nặng. Lớp Việt kiều “lánh nạn chiến tranh” này là một lực lượng đông đảo trong toàn khối Việt kiều ở Thái Lan.

Nhìn chung xã hội Việt kiều ở Thái Lan đã được hình thành qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau. Mỗi lần bà con Việt kiều phải sang đất Thái đều là những lúc nước nhà có biến động chính trị, hoặc gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn do đế quốc và phong kiến gây nên. Các đợt nhập cư về sau càng gắn liền với một nguyên nhân chủ yếu là sự áp bức, bóc lột, tàn sát của thực dân Pháp. Đó là cơ sở kinh tế, chính trị, tạo nên ý thức cách mạng sâu sắc và phổ biến trong xã hội Việt kiều ở Thái Lan.

Về mặt địa lý nước Thái Lan là láng giềng gần gũi của Việt Nam và Đông Dương, cho nên Việt kiều ở Thái Lan khá nhạy cảm với những biến động chính trị ở Đông Dương và Việt Nam. Mặt khác, bản thân Thái Lan, tuy gọi là một nước độc lập, nhưng từ thế kỷ 18 và 19 đến nay đã từng bị các đế quốc Anh, Pháp, Nhật, My đè nén về kinh tế và chính trị, mang tính chất một nước “Nửa thuộc địa”. Vì vậy, nhân dân Thái Lan sẵn có cảm tình với nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống đế quốc. Nhiều khi vua chúa hoặc Chính phủ Thái Lan cũng sẵn sàng ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, đó là một nhân tố thuận lợi cho những người yêu nước Việt Nam, từ các nghĩa quân trong phong trào Cần Vương đến các nhà hoạt động trong phong trào Đông Du, Việt Nam Quang phục Hội, rồi Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Mỗi khi gặp khó khăn, tránh sang Thái Lan, trở thành Việt kiều, tiếp tục hoạt động làm nòng cốt trong cuộc vận động cách mạng của Việt kiều ở Thái Lan.

Trích  báo cáo "Hoạt động cách mạng của Việt kiều ở Thái Lan
"
Ban biên soạn: Hoàng Văn Hoan (Trưởng ban), Trần Tống (Phó ban), Nguyễn Thế Cung, Đỗ Văn Hương, Trần Mai, Hà Sâm, Trần Quang Sĩ, Hoàng Nhật Tân, Ngô Đức Tùng, Nguyễn Song Tùng.
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com