Toggle navigation
Ký ức về tinh thần hòa hiếu của Việt Nam từ chiến trường Điện Biên Phủ
15/04/2024 | 06:58 GMT+7
Chia sẻ :
Ngày 13/4, tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp, Đại sứ quán Việt Nam tổ chức tọa đàm với chủ đề “Giao thoa lịch sử và ký ức Việt-Pháp về Điện Biên Phủ”, nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Tham dự có nhiều chuyên gia nghiên cứu lịch sử, chính trị, ngoại giao, bạn bè Pháp yêu mến Việt Nam và đại diện bà con kiều bào sinh sống tại Pháp.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng nhấn mạnh, ngày 7/5/1954 đánh dấu mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc Việt Nam với Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

“Tôi rất vui khi được gặp lại những gương mặt quen thuộc của những người bạn Pháp và bà con cộng đồng người Việt Nam tại Pháp, từ những người lớn tuổi cho tới đại diện của thế hệ trẻ. Trong số những khách mời tham dự buổi tọa đàm ngày hôm nay, có không ít người đã tích cực tham gia vào các hoạt động phong trào đấu tranh vì hòa bình, ủng hộ nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc,” Đại sứ Đinh Toàn Thắng xúc động chia sẻ.

Ký ức về tinh thần hòa hiếu của Việt Nam từ chiến trường Điện Biên Phủ ảnh 1
Đại sứ Đinh Toàn Thắng khẳng định: “Người dân Việt Nam luôn ghi nhớ về những tình cảm, tinh thần đoàn kết của nhân dân Pháp dành cho Việt Nam". (Ảnh: MINH DUY)

Chiến thắng Điện Biên Phủ có thể nói là chiến thắng của sức mạnh và trí tuệ Việt Nam với sự kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn và hiệu quả trên cả ba mặt trận chính trị, ngoại giao và quân sự.

Tọa đàm “Giao thoa lịch sử và ký ức Việt-Pháp về Điện Biên Phủ" là dịp giúp cho bạn bè và các chuyên gia nghiên cứu Pháp, cũng như bà con kiều bào hiểu rõ hơn về chủ nghĩa anh hùng của nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến chống thực dân Pháp, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.

Thay mặt Đảng Cộng sản Pháp, ông Taylan Coskun, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Pháp phụ trách quan hệ với Việt Nam chia sẻ: "Chúng ta tề tựu tại đây, để cùng nhau nhớ lại những ký ức về một cuộc chiến đấu, mà ở đó cả dân tộc Việt Nam chung tay vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đây là một trận chiến kéo dài 56 ngày đêm, với sự tham gia của hàng nghìn binh sĩ, sĩ quan, y tá bác sĩ, nhà báo và cả những đoàn văn công”.

Ông cũng đánh giá cao sự tham gia của những người lớn tuổi, thế hệ thanh niên, đặc biệt là những người bà, người mẹ, người chị ở hậu phương đã tích cực lao động sản xuất để phục vụ tiền tuyến.

Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Pháp bày tỏ sự ngưỡng mộ về ý chí của nhân dân Việt Nam quyết tâm giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Ký ức về tinh thần hòa hiếu của Việt Nam từ chiến trường Điện Biên Phủ ảnh 2
Ông Taylan Coskun, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Pháp khẳng định, trận chiến Điện Biên Phủ là cuộc chiến chính nghĩa chống chủ nghĩa thực dân vì hòa bình và công lý. (Ảnh: MINH DUY)

Ông Taylan Coskun cũng nhấn mạnh tinh thần đoàn kết, sẵn sàng hy sinh của nhân dân Việt Nam với “đội quân” hàng chục nghìn người từ khắp mọi miền của đất nước, từ thành thị đến nông thôn, từ nông dân, công dân cho đến sinh viên. Tất cả một lòng vì khát vọng tự do, hòa bình.

Ông cũng nhắc lại lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh và bài viết của phóng viên biệt phái người Pháp Pierre Courtade xuất bản ngày 22/7/1954 trên Báo Nhân đạo (L’Humanité), “cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam trên chiến trường Điện Biên Phủ chưa bao giờ là một cuộc chiến của sự thù hận, mà là cuộc chiến chính nghĩa chống chủ nghĩa thực dân vì hòa bình và công lý".

Đảng Cộng sản Pháp, nhật báo Nhân đạo (L'Humanité) và Tổng Liên đoàn Lao động Pháp (CGT) ngay từ những ngày đầu tiên đã luôn giương cao lá cờ chống chủ nghĩa thực dân và đặc biệt là chiến tranh do thực dân Pháp tiến hành ở Đông Dương.

Những cuộc đình công của công nhân cảng biển ở thành phố Marseille và nhiều nơi khác trong giai đoạn 1949-1950 là nhằm ngăn chặn việc vận chuyển vũ khí tới Đông Dương. Hay như, người chiến sĩ cộng sản Henri Martin bị đưa xét xử vì đã không phục tùng theo ý chí xấu xa của chính quyền thời bấy giờ. Các bài báo xuất bản hàng ngày trên tờ báo Nhân đạo (L'Humanité) cùng với những ý kiến phản chiến của các đại biểu Quốc hội và những người cộng sản Pháp luôn là những hạt nhân tích cực ủng hộ nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập.

Ký ức về tinh thần hòa hiếu của Việt Nam từ chiến trường Điện Biên Phủ ảnh 3
GS Pierre Journoud, giảng viên chuyên ngành Lịch sử đương đại, Đại học Paul-Valéry Montpellier 3, đánh giá cao sự kết hợp chặt chẽ giữa ba mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao của nhân dân Việt Nam trong chiến thắng Điện Biên Phủ. (Ảnh: MINH DUY)

Nhắc tới chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Éric Coudray, PGS Lịch sử và Địa lý tại trường Gabriel Fauré d'Annecy và TS Lịch sử đương đại của Đại học Paul Valéry Montpellier 3 cho biết: “Có thể nói rằng chiến thắng tại trận địa Điện Biên Phủ đã góp phần đẩy nhanh việc chấm dứt cuộc chiến tranh tại bán đảo Đông Dương. Đây là một điều rất khó chấp nhận đối với chế độ thực dân Pháp tại thời điểm bấy giờ, khi họ nhận ra cần phải rút khỏi khu vực Đông Dương, không chỉ Việt Nam mà cả Campuchia và Lào. Đây có thể nói là một khoảnh khắc khó khăn đối với ký ức của chính quyền Pháp vào thời điểm đó, nhưng đồng thời cũng là một dấu mốc quan trọng đối với quá trình phi thực dân hoá.”

Theo PGS Éric Coudray, chiến thắng Điện Biên Phủ có thể coi là một sự chiến thắng vĩ đại đầu tiên của một dân tộc thuộc địa trước chế độ thực dân. Chính vì lẽ đó mà sự kiện này có một tác động mang tính toàn cầu, đem lại niềm hy vọng cho nhiều dân tộc khác đang bị áp bức trên thế giới.

Trên cương vị là nhà nghiên cứu lịch sử, PGS Éric Coudray chỉ ra nhiều bài học trong vấn đề quân sự từ chiến trường Điện Biên Phủ. Quân đội nhân dân Việt Nam tại thời điểm đó không có nhiều lợi thế về lực lượng và khí tài hiện đại như lực lượng viễn chinh Pháp, nhưng lại giành được những thắng lợi “chấn động địa cầu”.

Ký ức về tinh thần hòa hiếu của Việt Nam từ chiến trường Điện Biên Phủ ảnh 4
Theo ông Éric Coudray, PGS Lịch sử và Địa lý tại trường Gabriel Fauré d'Annecy và TS Lịch sử đương đại của Đại học Paul Valéry Montpellier 3, chiến thắng Điện Biên Phủ là một dấu mốc quan trọng đối với quá trình phi thực dân hoá. (Ảnh: MINH DUY)

Chia sẻ chung quan điểm với PGS Éric Coudray, cựu phóng viên báo Nhân đạo thường trú tại Việt Nam, Daniel Roussel cũng khẳng định rằng, chiến thắng của Việt Nam trên trận địa Điện Biên Phủ đã mang lại những hy vọng cho các dân tộc thuộc địa. Và thực tế, sau chiến trường tại Việt Nam, quân đội của chế độ thực dân Pháp buộc phải rút lui khỏi các quốc gia như Algerie, Maroc và Tunisia.

Theo GS Pierre Journoud, giảng viên chuyên ngành Lịch sử đương đại, Đại học Paul-Valéry Montpellier 3, thắng lợi quan trọng trên chiến trường Điện Biên Phủ là thành quả của sự kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị, quân sự và ngoại giao, trong bối cảnh cục diện Việt Nam phải vừa đánh vừa đàm, kết hợp giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh ngoại giao vô cùng nhạy cảm và gay gắt.

Ký ức về tinh thần hòa hiếu của Việt Nam từ chiến trường Điện Biên Phủ ảnh 5
Cựu phóng viên báo Nhân đạo thường trú tại Việt Nam, Daniel Roussel khẳng định rằng, chiến thắng của Việt Nam trên trận địa Điện Biên Phủ đã mang lại những hy vọng cho các dân tộc bị áp bức trên thế giới. (Ảnh: MINH DUY)

70 năm đã trôi qua, những dấu vết chiến tranh đã từng làm tổn thương biết bao con người, biết bao gia đình nay đã lành lại.

Các diễn giả và khách mời của sự kiện kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đến từ những công việc, ngành nghề khác nhau trong cuộc sống, nhưng đều chia sẻ chung một giá trị, đó chính là khát vọng hòa bình, duy trì và củng cố một nền hoà bình mãi mãi.

Đại sứ Đinh Toàn Thắng khẳng định: “Người dân Việt Nam luôn ghi nhớ về những tình cảm, tinh thần đoàn kết của nhân dân Pháp dành cho Việt Nam. Và chính tình đoàn kết quốc tế, đặc biệt là sự ủng hộ to lớn mà nhân dân Pháp dành cho dân tộc Việt Nam trong công cuộc giải phóng dân tộc, là cơ sở vững chắc để cho ngày hôm nay, Việt Nam và Pháp tạo dựng một mối quan hệ hợp tác toàn diện.”

Đại sứ Đinh Toàn Thắng cũng gửi lời cảm ơn tới bà con kiều bào sinh sống tại Pháp từ lâu năm đã có những hoạt động tích cực trong phong trào cộng đồng hướng về quê hương, đất nước trong suốt giai đoạn khó khăn bấy giờ.
Sau những năm tháng chiến tranh, tinh thần hòa hiếu của người dân Việt Nam được thể hiện rõ qua những kết nối, giao lưu với những cựu chiến binh tại chiến trường Đông Dương. Khi trở lại Việt Nam trong những năm tháng hòa bình, những cựu chiến binh Pháp vẫn dành cho Việt Nam một tình cảm đặc biệt.

Quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Pháp ngày càng được củng cố. Từ những truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam và cam kết vì sự phát triển của toàn cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn nỗ lực thể hiện vai trò của mình trong tư cách một thành viên thân thiện, tích cực và có trách nhiệm trên tất cả mọi diễn đàn quốc tế.

Ký ức về tinh thần hòa hiếu của Việt Nam từ chiến trường Điện Biên Phủ ảnh 6
Tọa đàm “Giao thoa lịch sử và ký ức Việt-Pháp về Điện Biên Phủ” thu hút sự quan tâm của đông đảo giới chuyên gia nghiên cứu lịch sử, chính trị Pháp, bạn bè yêu mến Việt Nam và cộng đồng kiều bào tại Pháp. (Ảnh: MINH DUY)

Theo KHẢI HOÀN - MINH DUY
Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Pháp
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com