Toggle navigation
Người Việt kể chuyện 'sống chung với núi lửa' tại Iceland
20/01/2024 | 10:10 GMT+7
Chia sẻ :
Sau 8 năm sinh sống tại Iceland, chị Nguyễn Phúc không còn hoảng sợ như lần đầu tiên cảm nhận rung chấn khi núi lửa phun trào.
Ngày 14/1, hai vụ phun trào núi lửa diễn ra tại bán đảo Reykjanes ở Iceland khiến dung nham tràn vào thị trấn Grindavik vùng tây nam, thiêu rụi một số nhà cửa. Đây là vụ phun trào thứ hai trên bán đảo trong chưa đầy một tháng, và là vụ thứ 5 kể từ năm 2021, sau 800 năm núi lửa ngủ yên.

Tổng thống Iceland Gudni Johannesson kêu gọi người dân giữ vững hy vọng, vượt qua khó khăn, khi dung nham tràn vào Grindavik, nơi người dân "đã xây dựng cuộc sống, làm nghề đánh cá và các công việc khác, tạo nên cộng đồng hòa hợp".Nguyễn Phúc, người Việt Nam sinh sống tại thị trấn Njardvik, cách nơi núi lửa phun trào khoảng 15 km, cho hay đây là lần đầu tiên dung nham tràn vào khu dân sinh ở Iceland, gây thiệt hại hạ tầng lớn trong hàng chục năm qua.

"Mọi người đều đang hướng về Grindavik, ai cũng như chùng xuống, tiếc nuối với những người mất tổ ấm lâu năm vì dung nham núi lửa", chị Phúc nói với VnExpress.

Cộng đồng người Việt ở Iceland đã hưởng ứng mạnh mẽ khi chính quyền, các tổ chức thiện nguyện kêu gọi quyên góp hỗ trợ người dân vùng ảnh hưởng ở Grindavik thông qua Hội Chữ thập Đỏ.

"Người Iceland quá hiểu nỗi đau mất nhà do dung nham trong lịch sử, nên mỗi khi có núi lửa phun trào, các vùng lân cận lập tức tương trợ, kể cả các đảo xa ngoài khơi", Eric Phạm, 40 tuổi, hướng dẫn viên du lịch người Việt ở Iceland, nói.

Vị trí thị trấn Grindavik. Đồ họa: IMO
Vị trí thị trấn Grindavik. Đồ họa: IMO

Nằm giữa mảng kiến tạo Á - Âu và Bắc Mỹ, hai trong số những mảng kiến tạo lớn nhất hành tinh di chuyển ngược hướng nhau, Iceland là điểm nóng về hoạt động địa chấn và núi lửa. Mỗi năm nước này hứng chịu tới 26.000 trận động đất lớn nhỏ.

Khi mới đến Iceland năm 2015, chị Phúc đã rất hoảng sợ trong lần đầu trải nghiệm rung chấn do động đất. Nhưng 8 năm sau, chị coi động đất là chuyện thường nhật, bởi hiện tượng này xảy ra quá thường xuyên, trong khi Iceland phát triển hệ thống cảnh báo thiên tai tiên tiến, giúp người dân có các biện pháp đảm bảo an toàn.

Jon Orva, chuyên viên quản lý rủi ro tại cơ quan bảo hiểm thiên tai Iceland, cho hay nhà cửa tại nước này phải được xây dựng theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về thiết kế, vật liệu và có thể chống chịu được rung chấn dưới 6 độ. Các thông tin về công trình đều được công khai ở từng địa phương, giúp công tác quản lý trở nên minh bạch.

Giới chức và giới khoa học nước này cũng theo dõi sát sao các hoạt động địa chấn và núi lửa. Iceland là quốc gia có nhiều núi lửa đang hoạt động nhất châu Âu, với tổng cộng 33 điểm được theo dõi. Đây cũng là lý do ngành địa chất ở Iceland phát triển rất mạnh.

"Chúng tôi được cảnh báo sớm về các hoạt động địa chấn dù rất nhỏ. Phòng chống núi lửa, động đất cũng được giảng dạy kỹ trong chương trình giáo dục", Nguyễn Thị Thái Hà, giáo viên toán tại thủ đô Reykjavik, nói, chỉ ra mật độ dân thưa thớt, ý thức tuân thủ và tinh thần tương trợ của cộng đồng cũng đóng vai trò lớn.

Trên thực tế, người dân thị trấn Grindavik đã được cảnh báo về hoạt động địa chấn và núi lửa trong khu vực từ nhiều tháng trước. Khi núi lửa phun trào, toàn bộ người dân đã được sơ tán trong đêm, nên không ghi nhận bất cứ thiệt hại nào về người.

Giới chức trước đó đã đắp tường bao bằng đất đá bên ngoài thị trấn Grindavik để chặn dòng dung nham. Bờ bao này đã phát huy tác dụng trong vụ phun trào đầu tiên đầu tiên xảy ra lúc 8h ngày 14/1, khi một vết nứt xuất hiện trên mặt đất ở bên ngoài thị trấn. Dung nham trào lên chảy về phía thị trấn, nhưng bị bức tường chắn chặn lại.

Đến tối hôm đó, vết nứt thứ hai dài khoảng 100 mét xuất hiện ngay rìa thị trấn, khiến tường bao vô tác dụng. Dung nham tràn vào Grindavik, nhấn chìm nhiều ngôi nhà.

GIới chức Iceland xây tường ngăn dung nham chảy vào thị trấn Grindavik, ngày 14/1. Ảnh: AFP
GIới chức Iceland xây tường ngăn dung nham chảy vào thị trấn Grindavik, ngày 14/1. Ảnh: AFP

Cộng đồng người Việt tại Iceland cho hay khả năng quản lý, cảnh báo thiên tai của giới chức sở tại giúp họ yên tâm "sống chung với núi lửa" và cuộc sống không bị xáo trộn quá nhiều trong đợt phun trào gần nhất.

"May mắn là đợt phun trào lần này không tạo tro bụi, nên không ảnh hưởng đến các chuyến bay", hướng dẫn viên du lịch Eric Phạm nói. "Thậm chí du khách còn rất vui khi được chiêm ngưỡng núi lửa từ trên cao khi đi máy bay".

Những chuyến thưởng ngoạn mỗi khi dung nham phun trào đã trở thành thói quen của nhiều gia đình Iceland. "Mỗi khi núi lửa phun trào, hầu hết người Iceland đều ngóng chờ đến tận nơi xem", nhiếp ảnh gia địa phương Ragnar Sigurdsson nói.

Giới chức sẽ kiểm tra, đo lường khí độc trong khu vực núi lửa phun trào, rồi báo cho người dân nếu an toàn. Họ cũng chăng dây leo núi, thiết lập bãi đậu xe, nhà vệ sinh dã chiến, đội cứu hộ túc trực bên ngoài để tạo điều kiện cho người dân tới chiêm ngưỡng núi lửa.

"Tất cả đều quy hoạch rất tốt và miễn phí, chỉ phải trả tiền đậu xe", Eric Phạm nhận xét. Trong 10 năm sống tại Iceland, Eric Phạm có 5 dịp ngắm núi lửa phun trào, trong đó có một lần thưởng ngoạn bằng trực thăng.

"Giống một cuộc leo núi, dã ngoại, mọi người mang xúc xích, pizza đến nướng, nhưng vẫn cần giữ khoảng cách vì dung nham rất nóng", anh nói.

Sau nhiều năm không dám đi vì sợ hãi, chị Hà lần đầu cùng bạn bè tới ngắm núi lửa phun trào hồi tháng 8/2022. Đến nơi, chị bất ngờ khi thấy dòng người rồng rắn vượt địa hình hiểm trở để chiêm ngưỡng dòng dung nham. "Lúc này, tôi mới cảm thấy thực sự may mắn khi một lần trong đời được chứng kiến tận mắt sự sục sôi của núi lửa", giáo viên gốc Việt 32 tuổi nói.

Giáo viên toán Nguyễn Thị Thái Hà chụp ảnh bên dòng dung nham tại Iceland, tháng 8/2022. Ảnh nhân vật cung cấp
Nguyễn Thị Thái Hà chụp ảnh bên dòng dung nham tại Iceland, tháng 8/2022. Ảnh nhân vật cung cấp

Theo Đức Trung
Vnexpress
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com