Toggle navigation
Về ăn Tết
11/02/2024 | 07:26 GMT+7
Chia sẻ :
Năm nay tôi rất vui vì cả nhà tôi hội tụ đủ 10 người để cùng ăn Tết. Tôi có 2 người con. Con gái lấy chồng người Mỹ, là công dân Mỹ đã hơn 20 năm, có việc làm ở công sở. Con rể tôi là một nhà quản lý giáo dục bậc đại học ở California. Họ có 2 con đang độ tuổi đi học.Theo
anh-nho.jpg
Các thành viên trong gia đình nhà văn Trần Thị Trường trong bữa cơm tất niên đón xuân Giáp Thìn 2024.

Con trai tôi cũng từng học ở Mỹ và Australia với học bổng 100%, hiện là luật sư. Con dâu là giám đốc một công ty may thủ công cao cấp, thường được mời tham dự triển lãm ở Đức. Họ có 3 con. Đứa đầu đã được nhận học bổng đi vòng quanh nước Đức từ hồi lớp 9. Đến khi thi vào đại học đủ điểm 9 trường ở Mỹ, được học bổng sang Mỹ, nhưng cuối cùng cháu đỗ và chọn vào học Đại học Funbright danh tiếng tại Việt Nam.

Sở dĩ khoe những điều trên bởi tôi muốn bày tỏ rằng, gia đình tôi có nhiều điều kiện để sang sinh sống ở các nước phát triển. Bản thân tôi cũng từng sống trên 5 năm ở Bulgaria, có uy tín nơi làm việc, có vốn ngoại ngữ đủ để tồn tại dễ chịu ở bên đó lâu dài. Nghề của tôi là viết và vẽ thì ở đâu tôi cũng sống được…

Song, ngay từ khi còn trẻ tôi vẫn chọn quay về Việt Nam nơi có cha mẹ, họ hàng, anh chị em ruột của tôi. Mặc dầu, so với những nơi tôi đã đi, đã đến, đã sống thì Việt Nam còn rất nhiều thiếu thốn… Lựa chọn của tôi được cả họ tán thưởng, các con tôi cũng không phản đối.

Các con tôi cũng yêu Việt Nam theo cách của tôi. Việt Nam là nơi tôi, các con tôi sinh ra và lớn lên. Nơi có ông bà tổ tiên nội ngoại, nơi có ngôn ngữ/ tiếng nói chứa đựng cả một bầu trời ký ức, nơi có những thói quen sinh hoạt và tục lệ văn hóa phù hợp với tinh thần người Việt. Nơi đó dẫu có còn nghèo khó thế nào cũng vẫn vô cùng thân thương gắn bó.

Trừ chàng rể Mỹ, 3 người con còn lại của tôi đều xấp xỉ độ tuổi 50, nghĩa là họ đều đã sống nhiều năm, thấm đẫm tinh thần trong không gian văn hóa ấy. Họ đều trải nghiệm các phong tục tập quán của người Việt, mỗi khi Tết đến, dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ nơi đâu đều mong được trở về sum họp dưới mái ấm gia đình. Về Tết ngoài gặp gỡ lẫn nhau còn được bày tỏ tình cảm, tri ân trước bàn thờ tổ tiên, thăm lại ngôi nhà chung của dòng họ.

Được sống trong cái không khí hân hoan, tíu tít, háo hức đón chờ phút giao thừa. Được nhìn thấy những gương mặt yêu dấu của cha mẹ, họ hàng, anh chị em, ôn lại những kỷ niệm của tuổi thơ yêu dấu. “Về quê ăn Tết” là một thành ngữ rất ám ảnh những người sống xa nhà, khiến cho những ai nếu không về được với gia đình sẽ khó tránh khỏi nỗi buồn thương da diết, dù điều kiện kinh tế có khá đến mức nào.

Sở dĩ nói năm nay nhà tôi ăn một cái Tết rất vui vì 7 năm nay, mới đủ cả 10 người. Những năm trước không thiếu người nọ thì người kia. Có năm đã lên lịch, nhưng vì dịch bệnh nên những người ở Mỹ không về được. Thời khắc giao thừa ở Việt Nam là những người ở bên kia bán cầu khóc đỏ mắt…

Nhiều người Mỹ cũng giống người Việt, họ sống rất tình cảm. Họ cũng duy trì việc hội tụ gia đình vào cuối năm, dịp Giáng sinh và Tết Dương lịch. Con rể tôi trong số đó. Khi cha mẹ cậu còn sống mỗi năm cậu đưa vợ con về một bên, hoặc nội, hoặc ngoại.

Nhà của con gái ở trên một quả đồi gần vịnh Santa Cruz nổi tiếng. Những gia đình có nhà trên đồi, nhất là có view nhìn ra biển là những nhà có điều kiện và chọn lối sống nghiêng về các giá trị tinh thần. Trên quả đồi con gái tôi ở có 6 gia đình, hầu hết đều có vị thế xã hội.

Có 2 gia đình gốc Đức, một gia đình có vợ là người Pháp, 2 gia đình thuần Mỹ và gia đình con gái tôi một Mỹ một Việt. Tất cả các thành viên trong 6 gia đình đều thích nước Mỹ, cuộc sống Mỹ nhưng những người từ quốc gia khác đến làm dâu, rể của Mỹ thì đều thể hiện niềm tự hào về dòng dõi và đất nước của mình. Con gái tôi cũng ý thức cần sống thật hay để người ta hiểu thêm, hiểu tốt về người Việt, nước Việt Nam.

Cái xóm đa sắc tộc ấy khi Tết đến mỗi gia đình cũng tụ hội quây quần bên nhau. Và có thêm một tiệc chung của xóm. Trong tiệc cũng là những câu chuyện của ký ức được nhắc lại, chuyện của tương lai của mỗi gia đình, mỗi cá nhân, và cả vị thế các quốc gia trên thế giới được nói đến, những khúc mắc trong xóm được hòa giải. Tình cảm láng giềng được hâm nóng, làm mới lại cùng với lời chúc: “Thêm tuổi là thêm hạnh phúc, sức khỏe và niềm vui nhé. Bình an, may mắn nhé…”.

Khi còn trẻ tôi thích Tết vì được diện quần áo đẹp, đi chơi với bạn, lên chợ hoa mua những bông thược dược, violet, cành đào. Cùng với thích thú thì cũng là nỗi sợ phải dọn nhà, lo nấu cỗ Tết, quà cáp biếu tặng lì xì, sợ những cuộc thăm viếng lấy lệ, nhàn nhạt, khách sáo… Nhưng sau thời gian sống ở đất người, nỗi nhớ nhà thường xuyên xâm chiếm tâm can tôi mới thấy việc được quây quần bên gia đình là một giá trị không hề nhỏ.

Rồi đến khi tuổi già, tôi thấm thía cảnh mong con về để xẻ chia niềm vui của thời gian. Tôi nhận ra Tết là lý do chính đáng nhất để có thể gác lại công việc, gác lại những bộn bề cuộc sống, để mẹ con bà cháu được quấn quýt với nhau, cùng nhau làm tươi mới lại tâm hồn.

Tết ngoài gặp gỡ lẫn nhau còn được bày tỏ tình cảm, tri ân trước bàn thờ tổ tiên, thăm lại ngôi nhà chung của dòng họ. Được sống trong cái không khí hân hoan, tíu tít, háo hức đón chờ phút giao thừa. Được nhìn thấy những gương mặt yêu dấu của cha mẹ, họ hàng, anh chị em, ôn lại những kỷ niệm của tuổi thơ yêu dấu.

Các con tôi cũng vậy. Họ cũng bắt đầu biết thèm một sự xẻ chia ruột thịt, thèm được nhìn thấy tận nơi, anh em khỏe hay ốm, thèm được xiết chặt tay, hay một cái ôm ấm áp.

Chúng rơm rớm nước mắt, một đứa bảo: Con nhớ mẹ lắm, nhớ ngôi nhà này, nhớ cái sân của mẹ ngày nhiều nắng, ngày xuân mưa phùn lây rây này. Cháu lớn thì bảo rằng, muốn về bên bà và các cậu mợ, cô dì, chú bác, các em… thì phải về tận nơi chứ không chỉ nhìn qua “cam” (camera) được. Một đứa cười cười, nói: Nếu không thế thì chỉ cần gửi toàn bộ số tiền vé của 4 người chúng con qua tài khoản thì bà thừa tiền ăn Tết.

Tôi có 8 anh chị em cùng bố mẹ, nhà nào cũng đông, mỗi nhà giờ cũng xấp xỉ 10 thành viên nên mỗi khi Tết về tụ hội tới gần 100 người. May mắn là em trai tôi có ngôi nhà ở quê khá rộng và đẹp, cách Hồ Gươm có 22 km, gần làng hoa Tây Tựu nên về quê một ngày như đi du lịch, lại gặp gỡ nhau, đủ chuyện vui buồn.

Nối tiếp truyền thống gia tộc, em trai tôi mở quỹ khuyến học. Ai có điều kiện thì đóng góp, nhiều ít tuỳ hoàn cảnh. Thế mà quỹ cũng khấm khá, đủ tài trợ hàng năm cho các cháu từ cấp 1 đến đi làm nghiên cứu sinh.

Càng lớp cao thì học bổng càng nhiều. Nhà nào nghèo cũng có thể cho con học cao nếu cháu thi đỗ. Quỹ trích một phần cho người cao tuổi trong gia tộc. Năm nay vì có rể ngoại quốc về nên tổ chức trao học bổng ngay đầu năm chứ không vào ngày rằm tháng 8 như các năm trước. Các cháu ngoại tôi còn có thêm 1 chút thưởng cho việc học tiếng Việt. Còn các cháu ở tại Việt Nam thì đã nói được tiếng Anh vì đều được học tiếng Anh trong trường phổ thông.

Con rể tôi dự buổi trao học bổng, dự bữa cỗ Tết, cậu quá ngạc nhiên và rất xúc động. Một người Mỹ gốc Do Thái nhiều tự hào như cậu cũng không giấu nổi niềm kính trọng với truyền thống một gia tộc Việt. Và tôi biết, ở Việt Nam không ít gia tộc làm được như vậy. Tôi vào Hà Tĩnh, Nghệ An gặp rất nhiều gia đình tổ chức quỹ khuyến học rất bài bản.

Mấy năm gần đây tôi hay nghe thấy thanh niên nói: “ Đang yên đang lành bỗng dưng lại Tết”, hàm ý Tết đến gây phiền toái. Tôi đoán là họ nói đùa, hoặc họ cũng như tôi ngày còn ít kinh nghiệm sống, chưa thấy hết giá trị của hội ngộ, của gặp gỡ.

Cậu em thành đạt của tôi coi việc cố gắng giữ được sự đoàn tụ ngày Tết là một cách để những người trong gia tộc gìn giữ được nếp nhà, hình thành nét văn hóa, bản lĩnh đủ để đối diện với một nền kinh tế toàn cầu trong thời đại cạnh tranh khốc liệt.

Tôi xin kể câu chuyện trên đây để thưa với các bạn: Tết đoàn tụ luôn vui với gia đình tôi. Mỗi Tết là thêm một lần có động lực để đi tiếp những bước về phía trước dù là cuộc sống còn nhiều thử thách.

Theo TRẦN THỊ TRƯỜNG
Đại đoàn kết
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com