Toggle navigation
Đất Mẹ bình yên
16/02/2020 | 08:02 GMT+7
Chia sẻ :
Những ngày này bệnh dịch do chủng mới virus corona gây ra là câu chuyện thời sự của không chỉ những người trong vùng có dịch mà còn là nỗi lo lắng, bất an của những người con xa quê khi biết rằng Việt Nam nằm cạnh vùng tâm dịch Trung Quốc.
Nhịp điệu cuộc sống đang dần bình thường dù diễn biến phức tạp của dịch.

Đối diện với dịch bệnh

Lo lắng cho người trong nước sống ở cạnh vùng dịch sẽ có thể bị ảnh hưởng nặng nề, lo đất mẹ liệu có đủ nhân lực, nguồn lực dập bệnh dịch để nó không lan rộng ra cộng đồng hay không là những nỗi lo lớn nhất của người Việt trong và ngoài nước hiện nay. Nhưng lo nhất vẫn là những người con đất Việt đang sống ở vùng tâm dịch Vũ Hán trong thời điểm này.

Gia đình nhỏ ba người của anh Duy, hiện đang học thạc sỹ chuyên ngành kỹ thuật môi trường ở Vũ Hán, chỉ là một trong khoảng hơn 20 người Việt, chủ yếu là du học sinh và con cái, đón Tết ở tâm dịch virus corona.

Có con gái nhỏ mới 9 tháng tuổi nên dịp Tết Nguyên đán này, vợ chồng anh Đỗ Quang Duy - du học sinh Việt Nam tại thành phố Vũ Hán, quyết định ở lại Trung Quốc ăn Tết. Chẳng ai ngờ, như lời anh chia sẻ: “Cả nhà tôi đã có một cái Tết nhớ đời”, khi dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) ập tới, biến Vũ Hán trở thành tâm dịch.

Cũng như những người dân thành phố Vũ Hán, chuyện lo âu thấp thỏm là điều không tránh khỏi, khi ngày nào họ cũng có nhân viên y tế tới kiểm tra thân nhiệt 2-3 lần xem có bị sốt không. Bên cạnh đó, số người nhiễm bệnh và tử vong do dịch Covid-19 tại thành phố này vẫn tiếp tục tăng. Tuy nhiên, tin vui là đến thời điểm hiện tại, người Việt ở Vũ Hán đều trong tình trạng sức khỏe tốt, tâm lý khá ổn định.

Đường phố ở tâm dịch Vũ Hán những ngày mùa Đông này hầu như vắng lặng, mọi người chỉ ra đường khi có việc thật cần thiết, vợ chồng anh Duy cũng vậy. Do trường đã cho sinh viên nghỉ, nên hai vợ chồng anh chỉ ở trong ký túc xá. Nhà trường hỗ trợ bằng những suất thực phẩm chia sẵn và cử người giao tới tận nơi. Tất nhiên, các túi thực phẩm này đều đã được khử trùng, người giao đồ cũng mặc quần áo chuyên dụng để phòng ngừa virus.

Cũng có lúc, anh Duy lái xe đi mua những đồ nhu yếu phẩm cần thiết, bỉm cho con, giấy vệ sinh..., nhất là rau xanh, thứ thực phẩm không thể tích trữ trong thời gian dài. Ngoài phố, những chốt kiểm soát thân nhiệt được dựng lên ở nhiều nơi để kịp thời phát hiện trường hợp người qua đường có các dấu hiệu bất thường về sức khỏe.

Ngay tại siêu thị nơi anh Duy tới mua thực phẩm, mọi người cũng được kiểm tra thân nhiệt ngay tại cửa để đảm bảo công tác phòng dịch. Không khí tại siêu thị trong “mùa dịch” cũng lặng lẽ, không sôi động náo nhiệt như bình thường. Mọi người đều đeo khẩu trang, nhiều người đội mũ, đeo kính đen... Ai cũng nhanh chóng chọn những thứ cần thiết, không còn chuyện trò hay dừng lâu ngắm nghía hàng hóa. Anh Duy mua cam, quít, thanh long, rau củ, giấy vệ sinh..., cũng không quên ghé vào gian bán thuốc mua một số loại thuốc và cồn để bảo vệ gia đình khỏi virus.

Anh Duy cũng cho biết môi trường học tập và cuộc sống ở thành phố Vũ Hán khá tốt. Vợ chồng anh đều yêu thích thành phố này. Có lẽ, vợ chồng anh Duy cũng như những người Việt Nam khác đang sinh sống và học tập tại Vũ Hán đều mong muốn dịch viêm đường hô hấp cấp sớm được kiểm soát để cuộc sống nơi đây trở lại bình thường.

Đất Mẹ bình yên

Chỉ mong virut corona sẽ sớm bị tiêu giệt như đại dịch Sars cách đây 17 năm về trước đó là tâm nguyện không chỉ của vợ chồng anh Duy và những người Việt sống ở Vũ Hán thời điểm này mà đó là mong muốn của tất cả những người con đất Việt.

Chưa biết đến bao giờ chúng ta mới có thể khống chế được sự lây lan của con virut đáng sợ này, nhưng đáng sợ nhất trong thời điểm trong thời điểm này chính là sự nhiễu loạn thông tin khiến những người con ở phương xa không hiểu thật rõ về thực trạng dịch bệnh hiện nay ở Việt Nam.

Chị Nguyễn Thúy Quỳnh, kiều bào ở Toronto, Canada cho biết, chị nhận được rất nhiều thông tin từ bạn bè về dịch cúm như có tin nhà nước sẽ “Phun thuốc ngừa corona trên bầu trời toàn quốc” và khuyến cáo mọi người không ra đường trong thời gian phun thuốc, khiến nhiều người tin và lan truyền qua các mạng xã hội. Dễ thấy đây là tin giả vì đây là biện pháp chống dịch lãng phí, không hiệu quả, trong bối cảnh dịch bệnh ở Việt Nam chưa hề nghiêm trọng, nói chung là nghe đã thấy phi lý mà vẫn có nhiều người tin và hoang mang và chúng tôi ở xa không thể hiểu chuyện gì, chỉ mong Đất Mẹ bình yên, chị Quỳnh chia sẻ.

Chị Nguyễn Hằng Nga, kiều bào Australia chia sẻ, rất nhiều thông tin nhiễu loạn về tình hình dịch bệnh những ngày gần đây. Chẳng hạn, mới đây tôi xem được một đoạn ghi âm thông qua hộp thư trên fanpage của facebook. Đoạn ghi âm dài khoảng 1 phút với nội dung phao tin có 33 người chết vì virus corona. Cụ thể, người phụ nữ trong đoạn ghi âm nói với người khác: “Có một người quen biết làm trong khoa Gây mê bệnh viện tiết lộ, có 33 người chết vì nhiễm virus corona và tin này sự thật 100%. Anh này nói xong chuyện này ngày mai cũng nghỉ việc luôn. Ảnh bảo với tình trạng thế này dịch sẽ lây lan trong 10 ngày nữa, mọi người nên mua đồ tích trữ…”. Theo chị Nga, người ở trong nước còn có thông tin để kiểm chứng chứ mọi người con xa quê rất thiếu thông tin. Chúng tôi rất lo lắng và cầu mong mọi người bình an, dịch sớm được khống chế.

Anh Trần Mạnh Hà, kiều bào Séc chia sẻ, lo lắng, bất an là tâm trạng của những người con xa quê khi biết người thân đang sống cạnh vùng dịch. Nhờ những kinh nghiệm tuyệt vời trong chống dịch SARS những năm trước đây nên chúng ta đã, đang khoang vùng, từng bước khống chế được dịch bệnh này. Dù vậy, chắc chắn kinh tế Việt Nam sẽ có thể bị ảnh hưởng ít nhiều, đồng bào, nhất là người nghèo chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Đặc biệt là những gia đình không may bị mắc bệnh. Vì vậy, nếu cần, bà con xa quê sẵn sàng góp một khoản tiền nhỏ bé trợ giúp những hoàn cảnh khó khăn bởi dịch bệnh. Chỉ mong dịch sẽ nhanh chóng được khống chế, cuộc sống, sinh hoạt của người dân bình thường trở lại.

Theo Nguyên Hương
Đại đoàn kết
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com